Chia sẻ

Làm thêm tại Đức: Những điều du học sinh cần lưu ý

  • Thứ Ba, 23 Tháng 05 2017 09:52
  • Lượt xem: 21.821

Khi du học Đức, du học sinh có thể được miễn phí học phí nhưng vẫn phải trang trải cho các chi phí sinh hoạt. Do đó, rất nhiều sinh viên vẫn cố gắng vừa học vừa làm để có thêm kinh phí. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm được các quy định về việc làm thêm và các cơ hội việc làm ở đất nước này. Hãy cùng xem các lưu ý về việc làm thêm ở Đức để có các lựa chọn đúng đắn nhé!

1. Tìm việc làm thêm ở Đức dễ hay khó?

Sự trì trệ trong những năm gần đây do khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung Euro khiến cho tình trạng thiếu việc làm ở các nước châu Âu trở nên trầm trọng. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, Đức lại nắm vai trò quan trọng trong việc điều tiết và lèo lái kinh tế châu Âu trở về đúng quỹ đạo. Điều này đã chứng tỏ sự vững chắc trong quản lý kinh tế của Đức. 

Đức là đất nước có dân số lớn nhất châu Âu và có lượng nhập cư lớn thứ ba trên thế giới, cho thấy sự náo nhiệt của nền kinh tế nước này. Đức có nền khoa học công nghệ phát triển bậc nhất trên thế giới, do đó mà cơ hội với những ngành cần chất xám luôn rộng mở. Tuy nhiên yêu cầu cho những công việc này thường rất cao kể cả đối với công việc part time.

Người dân lao động từ các nước đổ về Đức tìm việc làm ngày càng đông, do đó nguồn cung lao động cũng dư thừa đáng kể. Nhóm công việc chân tay hay những công việc ít đòi hỏi tiếng Đức và kinh nghiệm càng trở nên cạnh tranh hơn. Tuy có thể hạn chế bởi thời gian làm việc so với những đối tượng lao động đơn thuần khác nhưng các bạn du học sinh lại có ưu thế về sự nhanh nhạy và linh hoạt trong giao tiếp nên cơ hội tìm việc như bồi bàn ở các quán cafe, làm việc ở cửa hàng đồ ăn nhanh, bán hàng... cũng không quá khó.

Những việc làm có nhiều cơ hội học hỏi như trợ lý tại văn phòng khoa, hay những công việc ở các công ty của Đức thường ưu tiên tiếng Đức nên sẽ khó cho các bạn du học sinh Việt Nam vì hầu hết các bạn đều theo chương trình tiếng Anh và tiếng Đức là một rào cản khiến các bạn ấy e dè trong việc tìm kiếm một công việc giúp ích cho vấn đề học tập của mình nhiều hơn.

2. Quy định làm thêm ở Đức cho du học sinh

Theo Luật Ngoại kiều Đức và Luật Lao động hiện hành, sinh viên du học muốn tham gia lao động hay làm thêm kiếm thu nhập phải được Sở Lao động địa phương và Sở Ngoại kiều đồng ý cấp phép. Giấy phép Lao động (Arbeitserlaubnis) này, bạn phải xin trước khi bắt đầu tham gia vào lao động.

Tuy nhiên nếu là sinh viên chính thức của các trường đại học thì được miễn giấy phép khi làm thêm trong 90 ngày/năm với 8 tiếng/ngày hoặc 180 ngày/năm nếu làm 4 tiếng/ngày, không phân biệt ngày thường hay các kì nghỉ, lễ. Nhưng nếu bạn làm việc hơn 20 tiếng/tuần thì tuần đó sẽ được tính tương đương với 7 ngày làm việc.

Nếu bạn làm cho trường đại học nơi mà bạn đang theo học thì thời gian quy định sẽ linh hoạt cho bạn hơn, nhưng bạn vẫn phải xin giấy phép để được làm thêm so với số giờ quy định trên.

Mức thuế thu nhập ở Đức khá cao, tuy nhiên nếu mức thu nhập của các bạn sinh viên dưới 400 - 450 euro/tháng thì được miến thuế.

Trong trường hợp thực tập, nếu kì thực tập có quy định trong chương trình học thì sẽ không cần xin Giấy phép Lao động và cũng sẽ không áp dụng tính 90 ngày hay 180 đối với nửa ngày, kể cả đối với thực tập có tính lương. Tuy nhiên, nếu kỳ thực tập không có trong chương trình học của bạn thì bạn cần phải có Giấy phép Lao động hoặc thời gian đó sẽ được tính theo quy định 90 ngày (180 nửa ngày).

Sinh viên dự bị Đại học (Studienkolleg) chỉ có thể tham gia lao động trong những dịp nghỉ hè và nghỉ đông và cần được Sở Lao động địa phương, Sở Ngoại kiều đồng ý, cấp giấy phép.

Trường hợp bạn đang là sinh viên tham gia khóa tiếng Đức thì không được phép lao động.

3. Mức lương bạn có thể kiếm được là bao nhiêu? 

Đức là một đất nước có chính sách hỗ trợ dành cho sinh viên gần như là cao nhất thế giới. Ở đây, bạn có thể thoải mái tham gia lao động mà không bị hạn chế hay cấm cản nhiều như ở các nước khác. Miễn sao bạn vẫn hoàn tất tốt việc học tập của mình.

Sinh viên du học tại Đức có thể tham gia lao động vào các ngày cuối tuần hoặc vào các kỳ nghỉ, chưa kể các làm thêm vào các ngày bình thường, mức thu nhập của bạn có thể được tính như sau.

10 ngày làm việc một tháng là tương đương với 120 ngày làm việc trong năm, mỗi ngày trung bình 8 tiếng đồng hồ, bạn có thể đạt mức thu nhập: 8 tiếng/ngày x 120 ngày/năm x 7 Euro/giờ = 6.720 Euro/ năm.

Sau khi trừ đi các khoản phí sinh hoạt, mỗi năm bạn có thể tiết kiệm được tương đối ít nhất là 720 Euro.

Trong trường hợp, bạn đi làm thêm vào cả các ngày bình thường, trung bình mỗi ngày bạn chỉ làm tầm khoảng 2 tiếng, mức thu nhập của bạn sẽ là: 2h/ngày x 7 Euro/ h x 20 ngày/ tháng x 12 tháng = 3.360 Euro/ năm. Phép tính này chưa bao gồm thời gian làm thêm vào những ngày nghỉ dài trong năm.

*** Lưu ý: Mức 7 Euro/ ngày chỉ là mức tối thiểu tại Đức. Nếu bạn giỏi tiếng Đức, bạn thậm chí còn có thể đạt mức thu nhập cao hơn gấp 2 – 3 lần.

Từ đây, nếu bạn du học Đức vừa học vừa làm, bạn không những được tham gia một nền giáo dục cao cấp thế giới, bạn vừa có thể tiết kiệm được một khoản tiền tương đối ít nhất là 4000 Euro (Tương đương với 100 triệu đồng nếu bạn chăm chỉ vừa học vừa làm). Và trong vòng 4 năm, bạn có thể tiết kiệm được ít nhất 400 triệu. Trong khi đó, khoản chi phí đầu tư toàn bộ ban đầu khi du học ở Đức ước tính trung bình chỉ khoảng 200 triệu đồng, tham gia du học Đức vừa học vừa làm bạn vẫn được lời kha khá.

4. Tìm việc làm thêm ở đâu?

Tìm thông tin việc làm có thể qua các website việc làm như www.make-it-in-germany.vn  hay www.your.bosch-career.com... Ngoài ra cũng có những group của các du học sinh đăng tải và chia sẻ rất nhiều việc làm hấp dẫn.

Ngay tại trường đại học, các bạn có thể tìm kiếm thông tin việc làm trên các bảng thông tin chung và website của trường. 

Bạn cũng có thể tìm thấy công việc part time tại những hội chợ việc làm. Thông tin về những buổi hội chợ thường có trên các bảng thông báo của trường hoặc được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông của sinh viên. Do vậy mà bạn cũng phải tích cực quan tâm đến các kênh này nhé! Mình tin rằng kết nối với xã hội sẽ mang lại cho chúng ta những lợi ích bất ngờ.

5. Lựa chọn công việc làm thêm như thế nào?

Những công việc dễ tìm kiếm nhất là làm việc ở các cửa hàng đồ ăn nhanh. Lương ở đây thường khoảng 06 euro/giờ, thậm chí ở những quán Việt Nam chỉ có 05 euro/giờ nhưng bạn còn được giữ cho mình khoản tiền tip từ khách hàng.

Các công việc như trông trẻ, giúp việc nhà là một thử thách lớn với các bạn, không phải ai cũng có thể làm tốt công việc này bởi vì quãng thời gian trước khi sang “xứ người”, hầu hết các bạn còn mải mê quay cuồng trong những chương trình học dài đằng đẵng, việc nhà thì cũng đã có ba mẹ người thân lo phần lớn, do đó mà công việc này khiến các bạn mất chút thời gian để thích nghi với nó.

Công việc tại thư viện đòi hỏi trình độ tiếng Đức và không phải ai cũng có thể tiếp cận được với cơ hội này. Nếu được làm việc tại thư viện thì đó sẽ là một công việc rất ổn định vì các thư viện thường ký hợp đồng từ 03-06 tháng. Hàng ngày các bạn sẽ phải sắp xếp sách, làm sạch sách và kệ sách, cho mượn sách và hỗ trợ bạn đọc... Công việc tuy có hơi tẻ nhạt nhưng sẽ rất hấp dẫn với những bạn yêu đọc sách phải không nào?

Ngoài ra những công việc ở các công ty của Đức cũng mang lại mức thu nhập khoảng 10 euro/giờ, tối thiểu là 8,5 euro. Những công việc này thường khó tìm và yêu cầu tuyển dụng cao hơn so với những công việc khác. Tuy nhiên nếu có cơ hội trải nghiệm thực tế bạn sẽ học hỏi được rất nhiều cho việc học tập của mình tại nước ngoài.

6. Bạn sẽ có được điều gì sau những công việc part time?

Những kinh nghiệm và va chạm với cuộc sống sẽ giúp bạn trưởng thành và cứng cáp hơn. Đôi khi bạn sẽ không tránh khỏi những rắc rối khi đối mặt với cuộc sống mưu sinh, nhưng bạn sẽ hiểu giá trị của đồng tiền và chắc chắn sẽ học được cách quản lý tài chính cá nhân tốt hơn.

Nếu như có cơ hội được làm việc ở văn phòng khoa hay các phòng nghiên cứu của trường đại học, bạn cũng sẽ nhận được nhiều kinh nghiệm cho việc học hành của mình, hơn nữa là mối quan hệ tốt với những người có trình độ chuyên môn cao, đây là cơ hội để bạn học hỏi về kinh nghiệm cuộc sống, tư duy logic và sắp xếp công việc, thêm vào đó để trau dồi thêm về khả năng ngôn ngữ cho bạn.

Và chắc chắn bạn cũng có cơ hội quen biết thêm nhiều người, được kết nối với xã hội và học lỏm thêm được nhiều tài lẻ cho riêng mình. Ví dụ như bí quyết nấu ăn, làm bánh, cách gấp khăn siêu xinh, cách gói quà cho bạn bè nữa.

Nếu bạn còn chưa thử tìm cho mình một công việc part time vì e sợ hạn chế khả năng ngôn ngữ hay vì bối rối chưa biết phải bắt đầu ra sao thì các bạn hãy lập tức hành động đi nhé. Chắc chắn các bạn sẽ nhận được nhiều điều mới mẻ khi quyết định với trải nghiệm này. Và các bạn cũng đừng quên sắp xếp chương trình học tập hợp lý để có thể hoàn thành tốt cả chương trình học lẫn công việc nhé.

Viết Bình Luận (Cam kết thông tin được bảo mật)

Hotline

Tỷ giá
Tỷ giá

Nhận tin qua Email

Video du học

Visa mới nhất

Megastudy đã tư vấn thành công cho hàng nghìn visa cho các du học sinh đi học tại các nước nền giáo dục hàng đầu thế giới như: Anh, Úc, Mỹ, Canada, New Zealand, Thụy Sỹ, Singapore…

  • nguyen-trong-l_visa-du-hoc-uc
    Nguyễn Trọng L_visa du học Úc
  • duong-ngoc-han_du-lich-uc
    Dương Ngọc Han_du lịch Úc
  • h-t-kim-hoang_du-lich-vuong-quoc-anh
    H.T. Kim Hoàng_du lịch vương quốc Anh
  • nguyen-thuy-t_du-hoc-uc
    Nguyễn Thủy T_du học Úc