I. Kiwi Style – Sống chậm, sống sâu, sống tự thân
Khi nhắc đến New Zealand, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những đồng cỏ xanh mướt với đàn cừu thong dong và khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ như trong phim điện ảnh. Nhưng ít ai biết rằng, ẩn sau vẻ đẹp ấy là một lối sống mang tên “Kiwi Style” – phong cách sống đặc trưng của người New Zealand, không ồn ào, không vội vã, nhưng lại vô cùng sâu sắc. Người Kiwi không thích phô trương, họ sống giản dị, tự lập, và đặc biệt coi trọng sự đúng giờ, sự tôn trọng cá nhân và không gian riêng tư. Không ai giục bạn phải chạy thật nhanh, nhưng mọi người sẽ âm thầm đánh giá bạn qua cách bạn làm chủ thời gian, tự giải quyết vấn đề, và cư xử trong im lặng.
Cuộc sống bình yên tại New Zealand
Ở New Zealand, bạn ít khi nghe những cuộc trò chuyện ồn ào nơi công cộng. Thay vào đó là những lời chào vừa đủ, những cái gật đầu nhẹ, và những cuộc trò chuyện sâu sắc khi thật sự cần thiết. Họ không nói nhiều nhưng điều họ nói ra đều đáng để lắng nghe và họ cùng dành sự quan tâm, lắng nghe thực sự cho đối phương. Đặc biệt, tinh thần tự lập là thứ thấm vào cách họ sống mỗi ngày. Trẻ em được dạy cách tự làm mọi thứ từ rất sớm, sinh viên tự lo chuyện học hành, tài chính và công việc làm thêm. Không ai kiểm soát bạn, nhưng cũng không ai “cứu” bạn nếu bạn không chủ động. Sự tự do ấy đi kèm với trách nhiệm và đó là điều khiến người Kiwi luôn trưởng thành từ bên trong.
Kiwi Style không phải là phong cách của sự thành công hào nhoáng. Nó là cách sống “nhỏ nhẹ” nhưng bền vững. Làm ít nhưng nghĩ nhiều, không vội mà vẫn đến đích, không phô trương nhưng lại đáng tin. Với người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ lần đầu xa nhà lối sống ấy có thể là một cú chạm nhẹ, nhưng đủ để khiến ta phải nhìn lại chính mình.
2. Khi văn hoá Kiwi khiến người Việt chững lại một nhịp
Trong những ngày đầu hòa nhập với môi trường học tập và sinh sống tại New Zealand, không ít du học sinh Việt Nam đã trải qua cảm giác lạc nhịp, không phải vì rào cản ngôn ngữ hay khác biệt thời tiết, mà đến từ những điều nhỏ nhặt trong đời sống thường nhật. Một trong những “cú chững” rõ nét nhất đến từ quan niệm về thời gian. Bởi tại nhiều trường đại học ở New Zealand, các buổi học thường bắt đầu đúng giờ đến từng phút. Thế nên việc đến muộn, dù chỉ vài phút, dù không bị phê bình trực tiếp nhưng lại tạo ra một khoảng cách vô hình. Cả lớp vẫn tiếp tục buổi học như bình thường, không một lời nhắc nhở, nhưng chính sự im lặng ấy lại khiến người mới đến dễ dàng nhận ra mình đang lệch khỏi nhịp sinh hoạt chung. Đó chính là một bài học tinh tế về sự đúng giờ và tôn trọng tập thể.
Không gian sinh hoạt cá nhân cũng phản ánh rõ nét văn hóa đề cao tính tự lập. Trong ký túc xá hoặc nhà thuê, mọi đồ dùng đều được phân chia rõ ràng. Mỗi người tự chịu trách nhiệm với phần việc và nhu cầu cá nhân của mình. Không có sự can thiệp hay “chăm sóc” thường thấy trong lối sống gia đình kiểu Việt. Sự chủ động được xem là điều hiển nhiên, ai cần gì sẽ tự tìm cách giải quyết. Việc chờ đợi hay trông mong người khác giúp đỡ trong những tình huống đơn giản thường bị coi là thiếu chủ động và không phù hợp với tinh thần tự lập đặc trưng của người Kiwi.
Văn hóa giao tiếp cũng là một điểm đặc biệt mà không thể không nhắc tới khi tới New Zealand. Trong các buổi làm việc nhóm, sinh viên Việt Nam thường có xu hướng thể hiện sự nhiệt tình bằng cách đưa ra nhiều ý kiến, chủ động dẫn dắt thảo luận. Tuy nhiên, người bản xứ lại đánh giá cao sự lắng nghe và khả năng điều phối hài hòa. Mỗi thành viên được tạo điều kiện để lên tiếng, không ai chiếm trọn thời lượng trò chuyện. Giao tiếp tại New Zealand đề cao tính tiết chế, tôn trọng không gian đối thoại chung và nhấn mạnh sự công bằng trong chia sẻ. Điều này buộc nhiều sinh viên quốc tế phải học lại cách thể hiện bản thân từ chỗ “nói nhiều để chứng tỏ” sang “nói đúng để được lắng nghe”.
Những khác biệt đó không gây sốc theo nghĩa thông thường, nhưng đủ để tạo ra sự bối rối và buộc người mới phải tự điều chỉnh. Văn hóa Kiwi không can thiệp trực tiếp, cũng không áp đặt. Chính vì thế, sự thích nghi diễn ra âm thầm qua từng hành động nhỏ, từng phản ứng nhẹ nhàng tạo nên khoảng thời gian chuyển tiếp quan trọng, nơi mỗi du học sinh dần học cách tái cấu trúc thói quen cũ để hòa nhập với một môi trường sống đầy tính tự chủ và kỷ luật.
3. Học cách thích nghi và thay đổi từng chút một
Quá trình thích nghi với lối sống New Zealand không diễn ngay lập tức mà du học sinh cần thời gian để làm quen và thích nghi. Thay vì những thay đổi rõ rệt về mặt hành vi, du học sinh thường trải qua một giai đoạn chuyển biến âm thầm nhưng sâu sắc bắt đầu từ việc quan sát, lắng nghe và dần điều chỉnh nhịp sống của chính mình để phù hợp hơn với văn hóa bản địa.
Sau một thời gian làm quen, tính tự lập không còn là một áp lực mà trở thành thói quen đối với mỗi người. Việc chủ động trong mọi hoạt động hằng ngày từ chuẩn bị bữa ăn, quản lý chi tiêu, sắp xếp lịch học dần được nhìn nhận như một phần tất yếu của cuộc sống trưởng thành, chứ không còn là “bài kiểm tra” khi đi du học. Nhiều sinh viên thừa nhận rằng chính khi không còn ai “giúp nhắc việc” hay “lo giùm việc nhỏ”, họ mới thực sự học cách chủ động với chính cuộc sống của mình.
Việc tuân thủ thời gian cũng không còn mang tính chất đối phó nữa khi các du học sinh đã quen dần với lối sống kiwi. Dưới ảnh hưởng của môi trường học tập và làm việc đề cao tính đúng giờ, nhiều du học sinh chuyển từ tâm lý “cố gắng đến đúng” sang trạng thái “chủ động sắp xếp để luôn đến trước”. Cảm giác áp lực từ ánh nhìn im lặng trong những lần trễ hẹn đầu tiên dần được thay thế bằng sự an tâm khi biết mình đang hoà vào đúng guồng chung. Việc tôn trọng thời gian không chỉ cải thiện hiệu quả học tập và làm việc, mà còn thể hiện rõ trách nhiệm cá nhân, điều mà luôn được đánh giá cao trong xã hội New Zealand.
Quá trình thích nghi trong giao tiếp diễn ra tinh tế hơn. Thay vì nói quá nhiều để thể hiện sự nhiệt tình, những sinh viên quốc tế trong đó có nhiều người Việt bắt đầu học cách lắng nghe kỹ hơn, phản hồi đúng lúc và tiết chế cảm xúc khi thảo luận. Không còn những cuộc tranh luận gay gắt hay sự lấn át trong chia sẻ ý kiến, mà thay vào đó là một không khí thảo luận nhẹ nhàng, công bằng và tôn trọng sự khác biệt. Việc nói ít lại, nhưng nói sâu hơn, không chỉ giúp tăng tính hiệu quả trong giao tiếp mà còn giúp xây dựng hình ảnh cá nhân điềm tĩnh, đáng tin cậy, điều mà người Kiwi rất đề cao.
Từng điều chỉnh nhỏ ấy dù xuất phát từ việc quan sát hoặc bị “va” vào tình huống thực tế đều góp phần hình thành một phiên bản mới: chủ động hơn, trách nhiệm hơn, và thấu hiểu hơn trong cách sống và làm việc. Có thể thấy, văn hóa Kiwi không hối thúc ai phải thay đổi, nhưng chính sự kiên định, tôn trọng và nhất quán trong hệ giá trị cộng đồng đã âm thầm định hướng người mới theo cách tự nhiên nhất, không ép buộc, nhưng thuyết phục bằng trải nghiệm sống thực tế.
4. Sống khác đi để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình
Không ít du học sinh Việt sang New Zealand với tâm thế chỉ “học để lấy bằng”. Nhưng sau một thời gian sống và hòa mình vào văn hoá Kiwi, nhiều người nhận ra rằng giá trị lớn nhất không nằm ở tấm bằng tốt nghiệp mà ở chính cách bản thân thay đổi từng ngày qua môi trường sống mới. Sự thay đổi ấy không diễn ra ồn ào, cũng không phải là một cuộc “lột xác” triệt để. Nó âm thầm bắt đầu từ những hành động nhỏ: biết dọn dẹp chỗ ở gọn gàng mà không cần ai nhắc, chủ động lên kế hoạch cho tuần học mà không đợi đến sát hạn, học cách lắng nghe trong cuộc trò chuyện thay vì vội vàng phản biện. Mỗi điều chỉnh nhỏ, khi được duy trì đều đặn, dần định hình nên một lối sống mới chín chắn hơn, chủ động hơn và có trách nhiệm hơn với chính mình.
Quan trọng hơn cả, việc thích nghi với một môi trường kỷ luật và độc lập như New Zealand giúp người trẻ hiểu rõ hơn về bản thân. Khi không còn ai đứng phía sau để “đỡ” hay “chống lưng”, mỗi người buộc phải đối diện với những giới hạn của chính mình và từ đó, học cách vượt qua. Những kỹ năng như quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm hay tư duy phản biệnvốn được xem là nền tảng trong thế kỷ 21 đều được rèn luyện tự nhiên qua chính quá trình sống và học tập tại đây.
Trở thành phiên bản tốt hơn không có nghĩa là đánh mất gốc gác hay xoá bỏ những thói quen cũ, mà là biết chọn lọc để giữ lại điều phù hợp, thay đổi điều chưa ổn. Sống trong văn hoá Kiwi không yêu cầu ai phải trở thành “một người bản địa”, nhưng lại tạo ra môi trường lý tưởng để mỗi người tự hoàn thiện bản thân bằng chính nhận thức của mình mà không vì bất kì sự ép buộc nào.
Với những ai sẵn sàng mở lòng, sẵn sàng thay đổi và học hỏi, lối sống Kiwi không chỉ là một trải nghiệm văn hoá mà có thể trở thành bước đệm quan trọng trong hành trình trưởng thành. Cũng chính từ đó, người Việt trẻ mang theo tinh thần mới, một lối sống mới, sâu sắc hơn, có định hướng rõ ràng hơn dù ở bất kỳ nơi đâu mà không chỉ tại New Zealand.
>> Những công việc làm thêm phổ biến tại New Zealand
>> Du học New Zealand nên đến Auckland, Wellington hay Christchurch?
>> Tìm hiểu về Visa đi làm sau tốt nghiệp (Post-study Work Visa) tại New Zealand
Hãy LIÊN HỆ MEGASTUDY và nhanh tay đăng ký để được tư vấn chi tiết và nhận nhiều ưu đãi.
CÔNG TY CỔ PHẦN DU HỌC VÀ ĐÀO TẠO QUỐC TẾ MEGASTUDY
Hotline: 0904 683 036