Có bao giờ bạn ước gì mình tiếp thu được nhanh hơn?
Dù bạn đang học tiếng Tây Ban Nha, cách chơi một nhạc cụ mới hay một môn thể thao mà bạn chưa từng chơi, tuyệt chiêu học gia tốc cũng sẽ giúp ích cho bạn đấy. Vấn đề là một ngày thì chỉ có từng ấy thời gian thôi.
Bí quyết học gia tốc không nằm ở chỗ dành ra nhiều giờ hơn để học, mà là làm sao cho trong những giờ đó, việc học của bạn đạt được hiệu quả tối đa.
Phép loại suy cái xô và nước
Hãy hình dung rằng bạn muốn đổ đầy nước vào một cái xô. Sẽ chẳng khó khăn gì để cái xô giữ nước bên trong, cho đến khi nó bắt đầu đầy tràn ra miệng.
Thế nhưng bộ não người không hề giống thế. Trên thực tế, hầu hết các thông tin mà chúng ta nạp vào bộ não sẽ từ từ rò rỉ và thất thoát đi. Thay vì coi dung lượng của bộ não chúng ta là một cái xô giữ lại tất cả nước đổ vào, chúng ta phải nhìn nhận sự thật rằng: nó không khác gì một cái xô thủng lỗ chỗ.
Nghe có vẻ chán quá, phải không? Thế nhưng đây là chuyện bình thường. Trừ phi bạn có khả năng ghi hết những hình ảnh từng trông thấy vào bộ nhớ như một cuốn phim (photographic memory), bộ não của chúng ta không có chức năng lưu giữ hết mọi sự kiện, thông tin và kiến thức mà ta đã học, đã đi qua trong đời.
Tuyệt chiêu để ghi nhớ đến 90% những gì đã học
Kim tự tháp học tập (Learning Pyramid), do Viện Institute ở Bethel, Maine lập ra vào những năm 1960, cho thấy cách học tập của con người.
Như các nghiên cứu đã chỉ ra, con người có thể nhớ:
5% những gì học được từ các bài giảng (ở trường, lớp, đại học hay cao đẳng)
10% những gì học được nhờ đọc sách, báo
20% những gì học được từ các tài liệu hình ảnh-âm thanh (các ứng dụng, videos chẳng hạn
30% những gì học được khi thấy biểu hiện và cách chứng minh nó
50% những gì học được khi thảo luận nhóm
75% những gì học được khi thực hành.
90% những gì học được khi áp dụng kiến thức đó ngay lập tức (hoặc dạy lại nó cho người khác)
Ấy vậy mà hầu hết chúng ta học bằng cách nào?
Qua sách báo, các bài giảng ở lớp, videos – toàn là những phương pháp học tập không có sự tương tác, vì vậy mà 80-95% thông tin cứ đi vào tai này rồi lại ra tai khác.
Mấu chốt ở đây là thay vì buộc bộ óc ta phải ghi nhớ thông tin bằng các phương pháp “bị động”, chúng ta nên dành thời gian, năng lượng và nguồn lực vào các phương pháp “tham gia tích cực”, mang lại hiệu quả cao hơn trong thời gian ngắn.
Như vậy:
- Nếu bạn muốn học nói một ngôn ngữ nào đó, bạn nên trò chuyện với người bản xứ và lắng nghe nhận xét trực tiếp của người đó (thay vì phụ thuộc vào các ứng dụng di động)
- Nếu bạn muốn rèn luyện thể lực, bạn nên gặp và làm việc trực tiếp với một huấn luyện viên cá nhân (thay vì xem videos tập thể dục trên Youtube)
- Nếu bạn muốn học chơi một loại nhạc cụ, hãy thuê một giáo viên dạy nhạc địa phương.
Cuối cùng thì, vấn đề vẫn là…
Thời gian hay tiền bạc?
Đã bao lần bạn nghe người ta than thở, “Tôi không tìm đâu ra thời gian để (làm một việc X gì đó”
Chính tôi cũng mắc cái tật này, nhiều lần tôi đã viện hết lý do này tới lý do khác để biện hộ cho cái việc không có thời gian.
Ấy thế nhưng với thời gian thì tất cả mọi người đều bình đẳng. Dù bạn là ai, bạn đang ở nơi nào trên thế giới, bạn đã nỗ lực ra sao để tận dụng thời gian của đời mình, thì một ngày của bạn cũng chỉ có 24 giờ như người khác thôi. Mỗi phút mỗi giây đều là duy nhất, và khi nó đã trôi qua thì không thể nào lấy lại được, khác với đồng tiền.
“Con người có thể trì hoãn, dây dưa, nhưng thời gian thì không bao giờ.” – Benjamin Franklin
Nếu tất cả chúng ta đều có 24 giờ mỗi ngày, làm sao lại có các tỉ phú trẻ tuổi đi lên từ hai bàn tay trắng, làm sao một sinh viên ngày nào cũng phải đi học lại từ không biết gì đến “bắn” tiếng Tây Ban Nha như gió chỉ sau 3 tháng rưỡi? Họ đã tìm cách tăng tối đa hiệu quả học tập thay vì chỉ chúi đầu vào học, học và học.
Hãy giả dụ thế này: A chỉ dành một giờ để học ngoại ngữ và nhớ được 90% những gì đã học. B dành 9 giờ để học và chỉ nhớ 10% thôi. Chỉ bằng một phép tính đơn giản, ta có thể thấy là B phải dành ra khoảng thời gian nhiều gấp 9 lần A, chỉ để nhớ được cùng một lượng kiến thức (A: 1 * 0.9 = B: 9 * 0.1).
Mặc dù con số chính xác còn có thể bàn cãi nhưng bài học đã quá rõ ràng. Để tận dụng tốt thời gian, bạn không nên nhắm tới những thành tựu nhỏ, như là xem một đoạn video 5 phút trên Youtube thay vì 15 phút, mà phải nhắm tới những thành tựu lớn, cụ thể là phải chọn ra phương pháp hiệu quả nhất ngay từ đầu. Đôi khi người ta cứ chọn những giải pháp thay thế miễn phí, trong khi đầu tư vào phương pháp tối ưu có thể tiết kiệm cho bạn nhiều tháng, thậm chí nhiều năm vật vã cố gắng, mò mẫm khắc phục sai lầm và quan trọng nhất vẫn là thời gian.
Chúng ta phải tận dụng tối đa khoảng thời gian giới hạn mà ta có bằng cách dồn hết tâm sức vào giải pháp đem lại tác động lớn nhất, đừng đoái hoài với các phương pháp khác làm gì.
Trong thời đại mà con người có thể tiếp cận một lượng kiến thức không giới hạn và có vô số thứ phân tán tư tưởng ta, khả năng ghi nhớ được nhiều kiến thức là một kỹ năng rất lợi hại giúp ta sớm đạt được mục tiêu hơn.
Nếu chúng ta học cách ghi nhớ không quên các kiến thức đã học trong ngày, ta có thể tiết kiệm thời gian dùng để học lại và tập trung vào thu thập các thông tin mới.
Thời gian đang trôi qua kẽ tay của tất cả chúng ta, và hôm nay là ngày mà bạn trẻ nhất trong tất cả những ngày sắp tới. Câu hỏi là bạn phải làm sao để không phí hoài ngày này?
Nguồn: bookaholic.vn
Uyên Phương (theo Lifehack)