Hãy tự cho mình một cơ hội
Từng chứng kiến trường hợp hoàn toàn đủ khả năng xin học bổng nhưng lại thiếu tự tin và chọn cho mình giải pháp vay tiền đi du học tự túc, chị Khánh Thương, cựu SV University of Technology, Sydney và từng giành học bổng ADS của Chính phủ Úc, đưa ra lời khuyên “đừng đánh giá thấp bản thân, hãy mạnh dạn nộp hồ sơ xin học bổng. Hãy tự cho mình một cơ hội”.
Một trong những bước quan trọng nhất trong quá trình xin học bổng du học là chọn trường, chọn học bổng. Sai lầm của nhiều bạn muốn đi du học là rải hồ sơ cho quá nhiều học bổng. Lời khuyên đưa ra là bạn nên tìm hiểu về các loại học bổng cũng như điều kiện, tiêu chí của mỗi loại qua nhiều kênh thông tin khác nhau, sau đó chọn ra một học bổng phù hợp với khả năng, đam mê của mình nhất, “chứ không phải chọn học bổng danh giá nhất vì không có học bổng nào danh giá hơn học bổng nào” – chị Vũ Lan Hương, cựu SV ĐH Northwestern, người từng được học bổng Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2009, chia sẻ.
Chị Đỗ Minh Thùy (cựu SV Indiana University, cũng là một cựu SV chương trình Fulbright) cho biết mỗi học bổng có những yêu cầu, tiêu chí riêng, song đừng vì không đáp ứng được một vài tiêu chí trong số đó mà vội vã bỏ cuộc. Có thể bạn không có bằng khá, giỏi nhưng nếu bạn chứng minh được năng lực của mình, bạn vẫn có cơ hội giành được học bổng mong muốn.
Chị Lê Hải Yến, một trong 11 sinh viên Việt Nam vừa giành được học bổng Chevening và chuẩn bị đi học tại Citi University London chia sẻ cần có một “chiến lược” để chuẩn bị lâu dài.
Còn anh Nguyễn Khắc Giang, người vừa nhận học bổng Eramus Mundus, cho biết ngay từ khi ra trường anh đã lập danh sách 15 loại học bổng mình có cơ hội tham dự, và đặt thứ tự ưu tiên, tập trung vào 2-3 loại học bổng mà mình thích nhất và phù hợp với bản thân nhất để chuẩn bị tốt nhất cho hồ sơ.
Hãy kể một câu chuyện!
Sau khi đã chọn được học bổng phù hợp, bước tiếp theo là chuẩn bị một hồ sơ thật tốt để chứng minh bạn xứng đáng và phù hợp với học bổng đó. Bạn phải cho thấy bạn là ai, tại sao bạn xứng đáng hơn người khác, tại sao học bổng này nên lựa chọn bạn. Anh Khắc Giang, người vừa giành học bổng Erasmus Mundus của Ủy ban Châu Âu, cho rằng “xin học bổng chính là chào bán bản thân”.
Tuy nhiên, bạn vẫn phải “là chính mình”, không tâng bốc hay quá “nổ” về bản thân. Các cựu du học sinh đều cho rằng văn hóa phương Tây đánh giá rất cao tính trung thực, và những người xem xét hồ sơ của bạn cũng đủ kinh nghiệm để nhận ra nếu bạn nói dối.
Chị Lan Hương cho rằng điều quan trọng là bạn phải khiến người đọc hồ sơ cảm thấy bạn là một con người thú vị và khiến họ muốn gặp bạn ở vòng phỏng vấn để biết bạn là ai.
Có một bí quyết đã được nhiều cựu du học sinh sử dụng thành công trong việc gây ấn tượng với người chấm điểm hồ sơ là kể những câu chuyện có thật để cho thấy niềm đam mê, sự quyết tâm, những kĩ năng, phẩm chất mà bạn có.
Chị Lan Hương đã chia sẻ với các bạn tham gia giao lưu câu chuyện có thật mà chị viết trong hồ sơ của mình. Câu chuyện này đã khiến hội đồng tuyển chọn vô cùng ấn tượng về niềm đam mê báo chí của chị khi mới chỉ là một học sinh tiểu học. Đó là chuyện chị đã biết viết một bài báo “tố” người bán hàng làm kem có đỉa và phát miễn phí tờ báo cho các bạn. Kết quả là chỉ trong 3 ngày, cả trường đều biết tin đó.
Chị chia sẻ: “Ngày đó, mình chưa biết báo chí là cái gì đó to tát nhưng mình biết rằng báo chí là nơi để những người không có tiếng nói được lên tiếng”. Đó là một trong những cách mà cựu SV ĐH Northwestern giúp hồ sơ của mình nổi bật.
Chị Lê Hải Yến, chia sẻ: “Bài luận tổng hợp những trải nghiệm, kinh nghiệm tích lũy theo thời gian, chứ không thể ngồi một lúc mà viết ngay được”.
Một trong những phần cũng khá quan trọng trong hồ sơ là tìm người viết thư giới thiệu cho bạn. Theo các cựu du học sinh, nếu người viết thư giới thiệu là người có uy tín, có tiếng nói thì đó là một điều may mắn, tuy nhiên quan trọng nhất đó phải là người hiểu bạn, biết bạn là ai, biết rõ năng lực của bạn như thế nào và phải là người thực sự muốn bạn có được học bổng đó. Chị Khánh Thương cho rằng thậm chí người viết thư giới thiệu có thể là đồng nghiệp, miễn là bức thư đó đủ sức nặng. Ngoài ra, bạn nên trình bày rõ tiêu chí của học bổng để người viết đưa ra những đánh giá, nhận xét phù hợp. Sự phù hợp là yếu tố rất quan trọng giúp bạn được chọn.
Đối với vòng phỏng vấn, bạn nên chuẩn bị tâm lý thật thoải mái và bình tĩnh. Ngay cả khi gặp câu hỏi khó bạn cũng không nên tỏ ra mất bình tĩnh, mà có thể áp dụng một vài mẹo nhỏ như đề nghị nhắc lại câu hỏi để có thời gian suy nghĩ. Sẽ là một điểm cộng lớn cho bạn nếu bạn có khiếu hài hước. Nó không chỉ khiến cuộc trò chuyện trở nên cởi mở, gần gũi hơn mà còn khiến người phỏng vấn đánh giá bạn là một người thông minh và thú vị.
Các cựu du học sinh đều nhất trí có một điều bạn phải chứng minh trong cả hồ sơ lẫn vòng phỏng vấn là bạn sẽ làm được gì cho cộng đồng sau khi hoàn thành khóa học. Bạn phải thuyết phục được người phỏng vấn tin rằng những kiến thức bạn thu nhận sẽ được lan tỏa, sẽ có ích cho những người khác, cho xã hội bởi “người ta không chi tới vài trăm ngàn đô la chỉ để giúp một mình bạn giỏi” – chị Lan Hương chia sẻ.
Trần Lê Thùy Linh (SV năm 4 ĐH Ngoại thương) – một trong những bạn trẻ tham gia buổi giao lưu nhận xét buổi nói chuyện rất hay, có nhiều thông tin thú vị. Linh cũng cho biết sau buổi này, bạn có thêm động lực trong quá trình tìm kiếm học bổng. Hương (SV Khoa Kinh tế, ĐH Quốc gia HN) nhận thấy sự nhiệt tình trong những chia sẻ của các du học sinh. “Mình thấy tự tin hơn sau khi giao lưu, tuy nhiên nghe các anh chị nói với tư cách những người đã đạt được học bổng thì có vẻ dễ dàng hơn là khi mình bắt tay vào làm. Mình có làm được hay không lại là một chuyện khác” – Hương chia sẻ.
Tuy nhiên, khi chia sẻ về những khó khăn cả trong quá trình xin học bổng lẫn khi đã sang Mỹ du học, chị Lan Hương có nói một điều khiến nhiều người tâm đắc: “Đã có nhiều lúc phát khóc vì khó thế này làm sao mình có thể làm được! Nhưng lần đầu thấy khó, lần hai thấy hơi khó, lần ba sẽ thấy bình thường. Miễn là mình luôn luôn cố gắng. Lúc đó, mình nhận thấy khả năng của bản thân là không giới hạn”.