Chia sẻ

Du học sinh thường gặp khó khăn gì?

  • Thứ Tư, 27 Tháng 12 2023 03:12
  • Lượt xem: 1.206

Du học là trải nghiệm tuyệt vời đối với nhiều học sinh, sinh viên. Tuy nhiên trên thực tế, đến một quốc gia khác học tập và sinh sống không phải điều dễ dàng. Cùng tìm hiểu về những khó khăn thường gặp của du học sinh trong những ngày đầu xa gia đình nhé.

Du học là một trong những ước mơ đối với nhiều học sinh, sinh viên. Nhiều bạn trẻ coi đây là cơ hội tuyệt vời để được đi học và khám phá một đất nước với những nền văn hóa và cuộc sống mới nhưng có những người lại sợ hãi vì nhớ nhà, gặp rào cản ngôn ngữ hoặc thậm chí là khủng hoảng tài chính.

Du học giúp bạn có bằng cấp được quốc tế công nhận, được đi đây đó, làm quen với các nền văn hóa đa dạng và từ đó có thể thuận lợi hơn trong việc có công việc mơ ước. Tuy nhiên, đối với một số người, chuyển đến một quốc gia khác sinh sống và học tập không phải là một quá trình chuyển đổi dễ dàng và có nhiều thách thức.

Dưới đây là những khó khăn phổ biến mà sinh viên gặp phải khi đi du học.

1. Rào cản ngôn ngữ

Một trong những thách thức phổ biến nhất khi đi du học là rào cản ngôn ngữ. Bạn có thể đã dành nhiều năm để học ngôn ngữ mới nhưng khi bạn đặt chân đến một đất nước khác, mọi thứ vẫn dường như hoàn toàn xa lạ.

Người dân địa phương nói nhanh, sử dụng tiếng lóng mà bạn không quen thuộc và thậm chí nghe không kịp hiểu. Đôi khi điều này khiến du học sinh cảm thấy mình là người ngoài cuộc, nhưng hãy coi đó như một cơ hội học hỏi.

Hầu hết người dân địa phương đánh giá cao việc bạn cố gắng giao tiếp với họ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.

Mặc dù ngôn ngữ có vẻ như là một trở ngại lớn cần phải vượt qua nhưng bạn càng luyện tập nhiều, bạn sẽ càng cảm thấy thoải mái hơn. Sau đó, khi học xong và trở về quê hương, việc bạn thông thạo thêm một ngôn ngữ khác sẽ là "tài sản" lớn có giá trị.

2. Chênh lệch tiền tệ

Cố gắng sử dụng thông thạo một loại tiền tệ khác cũng là một thách thức phổ biến mà sinh viên phải đối mặt khi đi du học. Trước khi đóng gói hành lý và lên máy bay, bạn cần đảm bảo rằng mình đã quen thuộc với tỷ giá hối đoái.

Bạn có thể sử dụng công cụ chuyển đổi tiền tệ trực tuyến, chẳng hạn như công cụ mà Google cung cấp. Chỉ cần nhập một số tiền, chọn đơn vị tiền tệ địa phương của bạn, sau đó chọn đơn vị tiền tệ của quốc gia nơi bạn sẽ tới du học để biết về chênh lệch tỷ giá của đồng tiền ở quê hương và nơi mà bạn sắp sinh sống, học tập.

Ngoài ra còn có sự khác biệt tiền tệ khác mà bạn cần ghi nhớ để không nhầm lẫn khi đi mua sắm. Ví dụ, trong khi nhiều quốc gia bao gồm thuế trong giá của một mặt hàng thì ở Canada và Mỹ lại không như vậy.

Điều đó có nghĩa là sau khi bạn nhìn thấy giá một sản phẩm trên kệ thì tới khi bạn thanh toán, thuế sẽ được tính thêm vào giá trên sản phẩm.

Ngoài ra, giống như học một ngôn ngữ mới, cũng có tiếng lóng về tiền. Ví dụ, ở Vương quốc Anh, pound (đồng bảng Anh) được gọi một cách không chính thức là quid. Bằng cách xem xét những khác biệt này, bạn sẽ tránh được sự nhầm lẫn tại quầy thanh toán hoặc máy rút tiền.

3. Vấn đề quản lý tài chính

Du học sinh đi học ở nước ngoài về cơ bản sẽ không có bố mẹ giúp đỡ mỗi ngày nên sẽ phải học cách quản lý hợp lý tài chính hàng ngày của mình.

Một số sinh viên quốc tế có thể may mắn giành được học bổng, điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, tất cả sinh viên sẽ phải học cách lập kế hoạch chi tiêu phù hợp với ngân sách.

Ngoài học phí, sinh viên còn phải tính đến chi phí nhà ở, ăn uống, đi lại và các chi phí sinh hoạt hàng ngày khác. Chi phí sinh hoạt thường đắt hơn ở các thành phố lớn và cũng sẽ phụ thuộc vào lối sống, lựa chọn chỗ ở và thói quen chi tiêu của các du học sinh.

Việc không có gia đình bên cạnh để hỗ trợ tài chính "bất cứ khi nào cần" có thể gây ra một số căng thẳng cho bạn nhưng hãy coi đây là cơ hội để học cách lập ngân sách và quản lý tiền bạc một cách tự lập.

4. Sự khác biệt về văn hóa

Mỗi quốc gia có những tiêu chuẩn văn hóa khác nhau. Ngoài việc làm quen với ngôn ngữ và tiền tệ của quốc gia đó, bạn cũng sẽ phải thích nghi với văn hóa địa phương.

Khi ở nhà, có thể bạn không biết về "những quy tắc bất thành văn" của người nước ngoài và vì thế, những điều bạn vẫn thường làm hàng ngày ở nhà lại có thể không quen thuộc với người nước ngoài.

Một ví dụ đơn giản là chuyện bắt tay. Ở một số quốc gia, một cái bắt tay chặt chẽ là thông lệ tiêu chuẩn, nhưng ở một số quốc gia khác, việc bắt tay quá chặt có thể bị coi là xúc phạm.

Cũng như mọi việc khác, khi tới một đất nước xa lạ sinh sống, hãy quan sát người dân địa phương và hòa mình vào văn hóa của họ. Dần dần, bạn sẽ điều chỉnh được cách ứng xử của bản thân sao cho hợp lý và thậm chí bạn có thể dạy cho những người bạn mới của mình về văn hóa của đất nước mà bạn đang học tập.

5. Nỗi nhớ nhà

Đi du học, bạn rất dễ cảm thấy nhớ nhà khi mọi thứ xung quanh đều quá xa lạ. Bạn sẽ nhớ những thứ cho bạn cảm giác rất thoải mái, chẳng hạn như căn phòng riêng ấm cúng ở nhà và đứa em phiền phức nhưng đáng yêu của bạn.

Nhớ nhà là một cảm giác tự nhiên và hiếm ai không có cảm giác đó khi rời xa quê hương, gia đình. Trên thực tế, một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học California tại Los Angeles, Mỹ, cho biết rằng, nỗi nhớ nhà có thể ảnh hưởng đến 71% sinh viên khi đi du học.

Điều quan trọng là đừng để nỗi nhớ nhà cản trở bạn. Hãy biến thời gian ở nước ngoài thành một trải nghiệm tuyệt vời. Gia đình và bạn bè của bạn sẽ vẫn luôn ở đó khi bạn quay lại và trong thời gian chờ đợi, bạn có thể kết nối với họ liên tục nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin.

Hãy ra ngoài thường xuyên và khám phá đất nước mới mẻ mà bạn đang có may mắn được đặt chân tới, bạn sẽ nhanh chóng vượt qua mọi cảm giác nhớ nhà.

6. Học xong không muốn về

Sau khi vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách như đã kể trên, bạn sẽ nhận ra mình thực sự yêu ngôi nhà mới của mình biết bao.

Khi việc học của bạn hoàn tất và đến lúc phải rời đi, trở về quê nhà, nhiều người cảm thấy rất khó khăn. Họ sẽ nhớ người dân địa phương, đồ ăn và nhiều thứ nhỏ nhặt hàng ngày, chẳng hạn như quán cà phê tuyệt vời dưới phố, quang cảnh nơi họ sống...

Khi tới ngày "hồi hương", nhiều người sẽ nhớ về những chuỗi ngày tự do, những cuộc phiêu lưu, thậm chí cả những thử thách, khó khăn mà họ từng trải qua. Thậm chí, nhiều du học sinh còn cảm thấy khó để có thể nhanh chóng quay về quê hương của mình.

Tuy nhiên, hãy nghĩ tới cảm giác hào hứng khi trở về nhà với rất nhiều người thân mong đợi và chia sẻ với mọi người những trải nghiệm đáng kinh ngạc mà bạn đã có khi học tập ở nước ngoài.

Nguồn: dantri.com.vn

Viết Bình Luận (Cam kết thông tin được bảo mật)

Hotline

Tỷ giá
Tỷ giá

Nhận tin qua Email

Video du học

Visa mới nhất

Megastudy đã tư vấn thành công cho hàng nghìn visa cho các du học sinh đi học tại các nước nền giáo dục hàng đầu thế giới như: Anh, Úc, Mỹ, Canada, New Zealand, Thụy Sỹ, Singapore…

  • nguyen-minh-t_dai-hoc-my
    Nguyễn Minh T_đại học Mỹ
  • le-ho-t-m_dai-hoc-uts-uc
    Lê Hồ T.M_Đại học UTS, Úc
  • minh-t_visa-du-hoc-my
    Minh T_visa du học Mỹ
  • ha-minh-h_visa-du-hoc-uc
    Hà Minh H_visa du học Úc