Đối mặt với nạn ức hiếp và quấy rối
Ức hiếp và quấy rối là khi bạn bị một hay nhiều người đàn áp, thông thường vì những lí do khác biệt văn hóa, giới tính, tôn giáo. Những ức hiếp, quấy rối này có thể thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp qua những phương tiện truyền thông như điện thoại và Internet (còn gọi là ức hiếp qua mạng).
Có nhiều hình thức ức hiếp khác nhau:
• Qua hành động vũ lực (đánh, nhéo)
• Qua ngôn ngữ (trêu chọc, xúc phạm)
• Qua tâm lý (hăm dọa, đồn thổi, chê bai)
• Qua hành vi quấy rối tình dục (sờ soạng, dùng lời nói…)
Làm thế nào?
Nếu phát hiện ra ai đó quấy rối hay ức hiếp bạn, việc đầu tiên cần làm là bạn hãy thẳng thắn yêu cầu họ dừng lại. Trong trường hợp hành vi đó vẫn tiếp diễn, bạn cần báo ngay với cơ quan có thẩm quyền. Chẳng hạn, nếu bị ai đó chặn đường đi học về để đánh bạn, hãy báo ngay với sở cảnh sát ngay gần nhà để được lưu ý bảo vệ. Nếu không, bạn cũng có thể tìm đến các thầy cô giáo hướng dẫn ở trường, văn phòng sinh viên quốc tế, ông bà chủ nhà hoặc một người bạn bản xứ để được giúp đỡ.
Bạn có thể đọc thêm thông tin tại www.bullyingnoway.com.au
Vượt qua nạn phân biệt đối xử
Phân biệt đối xử là khi bạn bị đối xử bất công hoặc không bình đẳng như những người khác. Phân biệt đối xử có thể là một hành vi trực tiếp hay gián tiếp, được thực hiện qua các chính sách và hành động của một cá nhân, nhóm người hay tổ chức.
Ở Úc, Ủy Hội Nhân Quyền Úc thực thi luật pháp Liên Bang trong lĩnh vực nhân quyền, nhằm chống phân biệt đối xử và thúc đẩy công bằng xã hội. Theo luật chống phân biệt đối xử của liên bang và tiểu bang/vùng lãnh thổ, không ai phải chịu những phân biệt đối xử vì tuổi tác, chủng tộc, quốc tịch, giới tính, tình trạng hôn nhân, quan điểm chính trị hoặc tôn giáo, khuyết tật hay khuynh hướng giới tính.
Tất cả những điều luật này được ứng dụng cho nhiều lĩnh vực: tuyển dụng, giáo dục, chỗ ở, mua sắm và dịch vụ (ví dụ bác sĩ, ngân hàng, khách sạn). Và đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới giữa nam và nữ cũng được pháp luật đặc biệt quan tâm.
Làm thế nào?
Trong giáo dục, nếu cảm thấy mình đang phân biệt đối xử và bạn không thể tự giải quyết vấn đề với họ, hãy tới cổng thông tin Chống Phân Biệt Đối Xử quốc gia tại www.antidiscrimination.gov.au để bày tỏ suy nghĩ của mình.
Khi đi làm, nên nhớ rằng bạn cũng phải nhận được những quyền lợi lao động như một công dân Úc. Nhà tuyển dụng không thể trả lương thấp hơn hay đe dọa việc rút thị thực của bạn. Nếu bạn cảm thấy nhà tuyển dụng đang phân biệt đối xử tại nơi làm việc với mình, bạn có thể liên hệ với Văn Phòng Thanh Tra về vấn đề Làm Việc Công Bằng (Fair Work Ombudsman) để tìm thông tin và hướng dẫn. Bạn có thể đọc thêm về quyền làm việc tại Úc tại trang Fairwork.
Cuối cùng, Chương Trình Đa Dạng Úc của Chính Phủ Úc là một sáng kiến để giải quyết nạn phân biệt văn hóa, chủng tộc và tôn giáo. Chương trình này cộng tác với các dự án cộng đồng địa phương và tổ chức quốc gia để quảng bá thái độ tôn trọng, công bằng, cảm giác gần gũi cho những người sinh sống tại Úc. Ngày 21/3 hàng năm được chọn là Ngày Lễ Hòa Hợp (Harmony Day) của người Úc.
(Sưu tầm)