Chuẩn hóa hồ sơ
Với học sinh các nước, khái niệm gap year (năm nghỉ ngơi) không còn xa lạ. Theo Nguyễn Thị Ngọc Phương, du học sinh năm cuối tại Hoa Kỳ, ý tưởng sau tốt nghiệp phổ thông trung học, học sinh có thể nghỉ một năm để tìm hiểu nhu cầu và định hướng bản thân rất được học sinh các nước đón nhận.
Với những người có ý định du học sau khi hoàn tất chương trình phổ thông, gap year còn cần thiết hơn, bởi nếu không có gap year thì đó là khoảng thời gian học sinh phải trải qua rất nhiều lo toan: thi tốt nghiệp, chọn trường, tìm học bổng, viết bài luận, lấy chứng chỉ ngoại ngữ... “Các trường danh tiếng trên thế giới nói chung và ở Hoa Kỳ nói riêng đều có chính sách chọn lựa học sinh rất kỹ.
Họ không chỉ dựa trên học lực, mà còn căn cứ vào rất nhiều yếu tố khác để nhận du học sinh vào học và trao học bổng cho các em. Cụ thể như xem sinh viên có phù hợp với trường hay không, có năng khiếu gì đặc biệt, có tham gia hoạt động xã hội... hay không. Do đó, dành một năm chuẩn bị sau tốt nghiệp trung học phổ thông để có thể tham gia hoạt động tình nguyện, định hướng bản thân là cách “ghi điểm” tốt nhất với các trường”, Ngọc Phương chia sẻ.
Thiết thực là thế, nhưng học sinh và đặc biệt là phụ huynh Việt Nam lại nghĩ gián đoạn quá trình học tập là việc làm phí thời gian. Anh Trần Hoàng Nhân, cư ngụ tại Q.3, TP.HCM, nhận định: “Nghỉ ngơi đồng nghĩa với tốt nghiệp sau bạn bè đồng trang lứa, và khó tránh khỏi nguy cơ bị bỏ lại phía sau”.
Không chỉ mình anh Nhân, đây cũng là suy nghĩ của rất nhiều phụ huynh. Đó chính là lý do nhiều bạn trẻ có ý tưởng gap year đều bị phản đối. Diêm Anh Thư, cựu học sinh Trường Lê Hồng Phong, kể, gia đình định hướng cho Thư theo học đại học trong nước nhưng Thư lại muốn du học.
Vốn đã không đồng tình với việc du học, lại nghe thêm Thư có ý định dùng một năm sau tốt nghiệp trung học để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho tương lai, gia đình càng lo lắng. “Tôi đã phải kiên trì thuyết phục, đồng thời đưa phụ huynh theo cùng tham dự hội thảo du học, tìm hiểu thông tin. Cuối cùng gia đình mới đồng ý”.
Lùi một để tiến ba
Anh Thư cho biết, trong một năm gap year, Thư tranh thủ trau dồi tiếng Anh, chuẩn hóa hồ sơ xin học bằng cách tham gia hoạt động xã hội, học đàn để thỏa ước mơ ấp ủ từ lâu và cũng là cách làm hồ sơ của mình “đầy đặn” hơn. Nhờ vậy, trong đợt xét tuyển vừa qua, Thư nộp đơn và được 6 trường đại học tại Hoa Kỳ chấp nhận. Trong đó có các trường nổi tiếng như: Villanova, Franklin & Marshall, Mount Holuoke... Mùa Thu 2012, Thư sẽ nhập học Trường Franklin & Marshall theo đúng nguyện vọng của mình.
Không gặp rào cản từ phía gia đình, Trần Bá Khôi Nguyên, sinh viên năm 2 Đại học Duke University, bang North Carolina, Mỹ, dù đã sangSingapore du học từ cấp phổ thông, nhưng vẫn dành hai năm gap year.
Nguyên cho biết, sau khi nghỉ ngơi một năm, hồ sơ hoàn chỉnh của Nguyên đã khiến 11 trường đại học ở Mỹ đồng ý cấp học bổng nhưng vì lý do sức khỏe, Nguyên tạm thời chưa nhập học. Nghỉ ngơi thêm một năm để đi, tìm hiểu quê hương, tham gia các hoạt động từ thiện như dạy học cho trẻ em nghèo ở Bến Tre, cứu trợ bão lụt ở Tây Nguyên..., Nguyên mới phát hiện ra nhu cầu thực sự của bản thân.
Nguyên chia sẻ: “Đó là thời gian tôi xác định ước mơ của mình. Ban đầu, tôi nghĩ mình sẽ theo con đường nghiên cứu, nhưng sau đó thấy không còn phù hợp nên quyết định chuyển ngành, nộp đơn vào trường khác”.
Kinh nghiệm thực tiễn và những đóng góp của Nguyên cho cộng đồng đã giúp Nguyên nhận được học bổng toàn phần tại các trường hàng đầu như:Duke University, Cambridge University... “Mặc dù vậy, học lực vẫn là điểm mấu chốt nhất để có thể thuyết phục các trường. Khi đã đảm bảo về mặt học lực, những hoạt động, kỹ năng sẽ là yếu tố cộng thêm. Nếu không mạnh dạn GAP year, dừng một bước để tiến dài hơn, học sinh sẽ không có được những điểm cộng đó”, Nguyên tư vấn.