1. Tiểu học (từ 6 đến 11 tuổi)
– Ưu điểm:
Có rất nhiều phụ huynh muốn cho con mình đi du học vào độ tuổi này vì hi vọng con mình sẽ làm quen với hệ thống giáo dục quốc tế ngay từ đầu để tập quen dần. Trên thế giới hiện nay, nền giáo dục tiểu học, đặc biệt là các nước phương Tây rất tốt, họ đặc biệt chú trọng vào việc phát triển nhân cách của trẻ hơn là kết quả học tập. Do đó, trẻ ở những nền giáo dục như thế này có tâm lý rất thoải mái, tạo tiền đề tốt cho sự phát triển sau này.
– Nhược điểm:
Một số phụ huynh vì quá nôn nóng vì những lợi ích mà hệ thống giáo dục quốc tế mang lại mà quên rằng thực tế, nếu bé không phải là công dân nước đó thì rất khó để được vào trường công lập. Trường tư tại một số nước sẽ không được hỗ trợ của chính phủ, do đó, học phí sẽ rất cao. Bên cạnh đó, những chi phí sinh hoạt sẽ phát sinh thêm rất nhiều nếu bé học tại những thành phố lớn.
Tuy nhiên, nếu bạn gửi bé cho họ hàng, người thân để tiết kiệm chi phí thì hoàn toàn không nên. Ở độ tuổi này, bé nên nhận được sự yêu thương của cha, mẹ. Vì thế, việc tự lập khi còn quá nhỏ sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của bé sau này.
– Lời khuyên:
Bạn chỉ nên cho bé đi du học ở độ tuổi này nếu cha, mẹ phải đi công tác tại quốc gia đó trong một thời gian dài. Nếu không, bạn có thể cho bé học các trường quốc tế tại Việt Nam để làm quen trước. Hiện nay có rất nhiều trường tiểu học quốc tế tại Việt Nam có chất lượng đào tạo rất tốt, có thể tương đương với các nước phát triển. Nhờ đó, cha mẹ sẽ không phải lo lắng về việc bé sẽ bỡ ngỡ cho việc du học sau này.
2. Trung học cơ sở (từ 11 đến 15 tuổi)
– Ưu điểm:
11 – 15 tuổi là độ tuổi trẻ rất thích khám phá, vì thế, trẻsẽ dễ dàng thích nghi với văn hoá của người bản địa cũng như học tiếng Anh tốt hơn. Bên cạnh đó, từ cấp trung học cơ sở, các trường quốc tế, đặc biệt là tại Mỹ, Canada và Phần Lan, họ đã bắt đầu định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Thông thường mỗi trường sẽ có ít nhất một giáo viên tư vấn hướng nghiệp và môn học này sẽ bắt buộc học vào giữa hoặc cuối cấp. Không những thế, một số trường còn khuyến khích học sinh tìm hiểu về các lĩnh vực thông qua việc mời các phụ huynh đến lớp và chia sẻ về ngành nghề của họ hoặc tham quan, trải nghiệm thực tế.
– Nhược điểm:
Hầu hết các học sinh ở độ tuổi này tại Việt Nam đều chưa thể tự lập được. Do đó, việc cho các em du học là cả một thử thách bởi tính cách phụ thuộc vào bố mẹ cũng như việc sốc văn hoá. Vì thế, cha mẹ cần nắm rõ tâm sinh lý của con mình để có quyết định đúng đắn.
– Lời khuyên:
Nếu bạn quyết định cho bé đi du học vào độ tuổi này thì bạn nên rèn luyện tính tự lập cho các bé từ nhỏ. Việc rèn luyện đó có thể được thực hiện bằng những việc nhỏ nhặt nhất như những công việc nhà và chủ động học tập.
3. Trung học phổ thông ( từ 15 đến 18 tuổi)
– Ưu điểm:
Việc hướng nghiệp cho học sinh ở hệ thống giáo dục nước ngoài sẽ được kéo dài từ cấp 2 cho đến hết cấp 3. Bên cạnh những buổi tư vấn chuyên môn, nhà trường và chính phủ còn tạo rất nhiều điều kiện cho các em bằng việc thành lập những câu lạc bộ, hội và các tổ chức hướng nghiệp. Nhờ vậy, học sinh nước ngoài có khả năng định hướng nghề rất tốt.
Không những thế, khi các bé đi du học ở độ tuổi này còn được các quyền lợi như:
- Khi du học dưới 18 tuổi, visa sẽ được cấp khá dễ dàng chỉ cần phụ huynh chứng minh được tình trạng sức khoẻ của bé và tài chính của gia đình. Các bé cũng không cần các chứng chỉ ngôn ngữ hoặc nếu có thì cũng không quá khắt khe
- Hầu hết học sinh được học tiếp lên cấp học tiếp theo tại các trường nước ngoài mà không phải học lại bậc học đã qua nếu đáp ứng đủ kiến thức.
- Học lực của các em không cần quá giỏi hoặc xuất sắc mới được trường tại nước ngoài nhận học.
– Nhược điểm:
Ở độ tuổi này bé đã có thể tự lập nếu được rèn luyện từ trước. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất không thể tránh khỏi là việc sốc văn hoá. Việc phải ngay lập tức làm quen với hệ thống giáo dục mới khá là khó khăn với các em.
– Lời khuyên:
Nếu cha mẹ đã chuẩn bị tất cả từ trước cho bé thì việc sốc văn hoá sẽ không phải là điều quá lo ngại. Thời gian đầu, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con cũng như khuyến khích bé tham gia vào các hoạt động, câu lạc bộ ở trường. Nhờ đó, bé sẽ dễ dàng làm quen với văn hoá bản địa hơn.
4. Cao đẳng, Đại học (từ 18 tuổi trở lên)
– Ưu điểm:
Đây là độ tuổi được xem là trưởng thành ở Việt Nam. Khi cho các bạn trẻ đi du học ở độ tuổi này, cha mẹ có thể yên tâm về việc tự lập của các bạn. Bên cạnh đó, hệ thống Cao đẳng, Đại học ở nước ngoài còn rất hiện đại, chú trọng vào việc thực hành hơn lý thuyết. Không những thế, nếu các bạn có học lực khá, giỏi và tiếng Anh tốt, các bạn có thể được nhận vào trường công và sở hữu nhiều học bổng.
– Nhược điểm:
Nhược điểm lớn nhất khi đi du học ở độ tuổi này là vướng khá nhiều thủ tục rườm rà. Trong đó, chứng chỉ ngoại ngữ cùng với những bài luận để xin học Cao đẳng, Đại học cũng gây khó khăn ít nhiều cho các bạn học sinh. Đặc biệt, nếu các bạn không thành thạo ngoại ngữ tại nước muốn du học thì nó sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các bạn.
– Lời khuyên:
Để không thể bị vướng phải vấn đề ngoại ngữ, các bạn nên cố gắng rèn luyện, đầu tư cho nó từ khi còn nhỏ. Có như thế, bạn sẽ dễ dàng vượt qua các chứng chỉ cũng như tự tin khi du học và sinh hoạt tại các nước. Bên cạnh đó, bạn nên tìm hiểu những đề thi luận trước đó của các trường để tham khảo cách thức vượt qua.