Chia sẻ

Những kinh nghiệm bỏ túi khi du lịch nước ngoài tự túc

  • Thứ Sáu, 25 Tháng 08 2017 23:55
  • Lượt xem: 3.467

Bạn không thích sử dụng các tour có sẵn với những địa điểm nhàm chán. Bạn là người ưa khám khá và thích thử thách bản thân để làm những điều ý nghĩa và đặc biệt hơn đối với cuộc đời của bạn? Bạn muốn mình sẽ có một chuyến đi siêu đáng nhớ là của riêng bạn vì bạn đã tự làm từ A đến Z. Tuy nhiên một chuyến du lịch nước ngoài tự túc sẽ ngốn của bạn khôi khối thời gian và “cần đến não” để bạn có thể làm được những điều trên. Hi vọng bài viết sau sẽ giúp bạn có một chuyến đi “thuận buồn xuôi gió” đáng nhớ.

I. Trước chuyến đi

1. Lên kế hoạch sơ lược

Để có một chuyến đi hoàn hảo và đáng nhớ thì việc đầu tiên bạn cần phải làm là lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi. Plan sẽ giúp bạn không rơi vào khổ cảnh “quên này quên nọ” hay giữa chừng bạn sẽ đỡ phải thốt lên “giá như”. Trước chuyến đi bạn sẽ cần xác định địa điểm đến, thời gian đi, dự tính sơ lược các chi phí. Theo định luật cung cầu: nếu chuyến du lịch của bạn rơi vào cao điểm như mùa nghỉ hè, ngày lễ, ngày thứ Bảy - Chủ nhật... thì chi phí chắc chắn cao hơn ngày thường (từ giá vé xe, giá phòng, các dịch vụ, ăn uống).

Bạn có thể hình dung trước nơi du lịch trên bản đồ Wikimapia hay Google map hoặc các trang web du lịch, trang phượt để tìm hiểu. Tận dụng phần search của các trang này để điều nghiên trước nơi ở, quán ăn, đường đi và các địa điểm lạ.
Điều quan trọng mà bất cứ chuyến đi nào cũng cần chú ý đó là thời tiết, khí hậu nơi bạn định đến. Bạn nên xem dự báo thời tiết trên TV, trên internet để tránh mưa bão, áp thấp hay đơn giản để nắm được loại thời tiết ở đó để chuẩn bị trang phục và các vật dụng hợp lý và tránh khiến chuyến đi mất vui. 
Không ngại gì cả bạn hãy hỏi giá trước tất cả các dịch vụ, món ăn... để phòng ngừa cảnh "chặt chém". Những địa phương có nền du lịch phát triển đều có dịch vụ thuê xe, thậm chí ngay trong khách sạn bạn ở. Bạn có thể thuê gắn máy, xe đạp đôi. Hỏi giá, điều kiện giấy tờ (nếu là xe gắn máy), thời gian sử dụng... trước khi thuê - thường thì giá khá rẻ. 

2. Tìm hiểu thông tin

Đọc càng nhiều càng tốt để so sánh và lọc ra những thông tin cần thiết (chọn những nguồn uy tín). Ngoài ra, việc đọc này còn giúp bạn tìm được các cách tiết kiệm tiền trong chuyến đi như việc có thể tìm ra cách mua trước các loại vé tàu xe, tham quan , vui chơi gì đó với giá ưu đãi hơn mua tại chỗ.

Có 3 nguồn bạn có thể tìm được các thông tin về du lịch :

  • Các website thông tin du lịch lớn và uy tín như Lonely Planet, TripAdvisor.. Các nguồn thông tin này thường chính xác và cập nhật liên tục. Tuy nhiên cũng vẫn cần tỉnh táo để phân biệt các thông tin được tài trợ.
  • Các website cuả chính phủ hoặc các hãng cung cấp dịch vụ. Ví dụ nếu bạn cần thông tin về vé tàu HSR tại Đài Loan , bạn có thể lên thẳng website thsr.com.tw của hãng tàu để xem lịch tàu chạy, chính sách vé, thông tin trạm dừng…
  • Thông tin review từ các blogger/ Facebooker chăm đi du lịch. Đây là nguồn thông tin rất gần gũi và được nhiều bạn chọn làm nguồn tham khảo chính khi đi du lịch. Tuy nhiên, thông tin được review cá nhân thỉnh thoảng không được chính xác lắm do trải nghiệm & cảm nhận của mỗi cá nhân khác nhau.

Một số website, blog, Facebook cung cấp thông tin du lịch khá đáng tin là japan-guide (Japan), guidetotaipei (Taiwan), Facebook Đi là đi thôi (Thiện Nguyễn), Facebook Vinh Lê (Vinh Gấu, KKday.com.

3. Lên lịch trình chi tiết

Sau khi đọc và lọc thông tin đầy đủ rồi, bạn nên lên một lịch trình kỹ lưỡng theo format gợi ý dưới này để quản lý thời gian và tiền bạc

  • Ngày ….
  • Sáng đi A / Chiều đi B/ Tối đi C
  • Cách đi A/ B/ C
  • Chi phí A/ B/ C
  • Ăn:
  • Chi phí:

Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu trước về thủ tục nhập cảnh. Trước khi nhập cảnh bạn sẽ cần khai tờ nhập cảnh. Tờ này tiếp viên sẽ phát trên chuyến bay hoặc đến gần khu nhập cảnh sẽ có. Thông tin nhập cảnh ngoài các mục thông tin cá nhân ra thì họ sẽ bắt khai thêm thông tin khách sạn/ nơi ở bạn sẽ ở trong suốt thời gian du lịch và thông tin về chuyến bay bạn vừa bay.

4. Book trước các dịch vụ cần thiết trong chuyến đi:

Hai thứ cần phải phải book đầu tiên đó là vé máy bay và khách sạn. 2 thứ này thông thường book càng sớm càng rẻ. Một số website để book khách sạn/nhà nghỉ có thể tham khảo là airbnb và hostelworld. Thật ra agoda & booking cũng tương tự thôi, bạn chọn cái nào cũng được.

Tiếp theo là book trước sim/wifi internet 4G, là những thứ không thể thiếu khi đi du lịch. Tìm thông tin, tìm đường, check lịch tàu xe… rồi còn post hình lên FB hay Instagram cho liền tay. Thông thường các loại này đều có điểm nhận ở sân bay, xuống phát lấy luôn, đỡ phải lằng nhằng tìm.

Thêm nữa, các loại vé tàu xe, vé tham quan các thứ cũng cần được mua trước. Ưu điểm chung của việc mua trước là có khi rẻ hơn mua tại chỗ và đỡ phải tìm, đỡ xếp hàng.

5. Chuẩn bị giấy tờ cần thiết

Giấy tờ là thứ quan trọng bậc nhất khi du lịch, do đó hãy giữ bên mình, có thể bọc lại bằng túi chống nước, và photo/chụp ảnh lưu lại trong điện thoại, email để backup khi gặp các trường hợp sự cố xảy ra.

Nếu bạn có ý định thuê xe máy, ô tô tự lái thì nên trang bị thêm Giấy phép lái xe quốc tế. Túi đựng giấy tờ, balo đều gắn nametag hoặc ghi tên và thông tin để có thể liên hệ.

6. Chuẩn bị tiền

Chuẩn bị bao nhiêu tiền là đủ? Điều này phụ thuộc vào mức độ “ăn chơi” của bạn như độ dài chuyến đi, địa điểm đến và rất nhiều thứ khác. Tuy nhiên có 1 số chi phí có thể ước chừng trước được như: tiền khách sạn, tiền di chuyển, tiền vé vui chơi…. ngoài ra thì các chi phí như ăn uống và mua sắm, bạn có thể cân đối mức gấp 1,5 – 2 lần chi phí ở Việt Nam rồi nhân lên.

Khi đi du lịch nước ngoài, ngoài tiền của nước bản địa, bạn nên chuẩn bị thêm USD và thẻ thanh toán quốc tế Visa hoặc Master Card (còn tiền) để backup. Tiền và thẻ khi mang theo cần được chia ra nhiều nơi, có 1 số tips như việc giấu ở đáy balo, trong giày… cũng có thể áp dụng nếu cảm thấy không an toàn.

Nên đổi tiền từ Việt Nam và đừng đổi quá nhiều. Tham khảo tỉ giá ngoại tệ tại các ngân hàng và địa điểm đổi tiền ở 1 số tiệm vàng khu quận 1, ở HN có thể ra phố Hà Trung. Nếu ở Saigon, chỗ đổi tiền giá tốt thường là 2 tiệm đổi ngoại tệ ở chợ Bến Thành (đường Nguyễn An Ninh).

 Nên cầm theo một chiếc thẻ Visa/ MasterCard nhỏ xinh mà quẹt tới – Chuyên trị các bạn nghiện mua sắm. Tuy nhiên cần nhớ là đi quẹt thẻ ở nước ngoài sẽ bị tính thêm phí chuyển đổi ngoại tệ. Các phí này sẽ tuỳ theo ngân hàng thẻ, ví dụ HSBC là 4%, VCB là 2 %,… Hiện tại thì duy nhất có thẻ tín dụng MasterCard của Timo là không bị tính phí chuyển ngoại tệ (phí chuyển đổi ngoại tệ 0%) thôi nên cầm theo thẻ tín dụng MasterCard Timo thì cứ vô tư.

7. Chuẩn bị các vật dụng, đồ dụng

Trước khi chuẩn bị hành lý, cần xem dự báo thời tiết nơi bạn sắp đến để mang đồ đạc cho phù hợp. Lựa chọn trang phục phù hợp với từng quốc gia/điểm đến, đặc biệt những nước có tôn giáo như Phật giáo, Hồi giáo, bạn sẽ bị hạn chế khi đi du lịch nếu mặc áo quá hở hang hoặc quần quá ngắn.  Mang ít quần để đỡ nặng, có thể mặc 2-3 ngày thay 1 lần cũng không sao. Các bạn vận động nhiều thì mang legging hoặc quần short cho thoải mái. Đa phần các chuyến du lịch nước ngoài bạn sẽ phải đi bộ nhiều nên iày thể thao- nhất định nên mang theo giày thể thao loại tốt một chút. Kem chống nắng cũng cần phải đem. Tiếp đó là đem theo mũ, nón, áo mưa mỏng/ô loại xếp gọn nhẹ vì mua ở nước ngoài sẽ đắt hơn. Bạn nên chủ động mang khăn tắm, bàn chải, khăn mặt, sữa tắm sữa rửa mặt, băng vệ sinh luôn vì mua mấy cái này ở nước ngoài cũng sẽ đắt hơn vài lần.  

Nếu mang vali thì nên mang thêm 1 ba lô nhỏ để đựng các vật dụng lặt vặt di chuyển tham quan trong ngày. Bạn nên mang theo đầu chuyển cho các thiết bị điện tử. Một số nước dùng loại đầu cắm 3 chấu, một số nước dùng loại đầu cắm chân dẹt. Cũng nên xem trước loại điện (110V hay 220V) của nước sắp đi để đem theo cục adaptor.

Ngoài balo/vali chính thì bạn nên có thêm 1 túi nhỏ để vài đồ quan trọng mang theo bên mình trong 1 số trường hợp gửi lại Vali/balo ở khách sạn để đi dạo…Khi xếp đồi vào balo/vali, bạn nên bọc nilon đồ lót riêng trước khi bỏ chung vào bọc nilon đựng quần áo. Nhớ tham khảo cách cuốn gọn quần áo giúp tiết kiệm diện tích, khi nhét vào balo nên để thứ tự: quần jeans-áo thun-đồ lót-áo khoác…. để tiện lấy ra sử dụng. Có thể lựa chọn thắt lưng nhựa thay vì kim loại để tiết kiệm thời gian ở cửa an ninh lên máy bay hoặc ở 1 số quốc gia khi nhập cảnh.

Ngoài việc thưởng thức ẩm thực địa phương khi đi du lịch, bạn cũng nên chủ động mang theo 1 chút đồ ăn dự phòng như bánh ngọt, sô-cô-la… phòng trường hợp không hợp khẩu vị của nước sở tại hoặc khi di chuyển, tìm không được quán ăn. Bạn cũng có thể chuẩn bị thêm 1 bình nước để có thể lấy nước miễn phí ở sân bay hoặc khách sạn.

Mang theo đầy đủ sạc pin, dây sạc và sạc dự phòng để sử dụng cho các thiết bị điện tử, đồng thời bạn cũng nên dự phòng 1 điện thoại nếu cần. Nếu yêu thích chụp hình bằng điện thoại bạn nên mang theo gậy tự sướng có remote hoặc có chân máy. Ngoài ra nếu có nhu cầu online thường xuyên, bạn cũng có thể chuẩn bị cục phát wifi di động, thuê tại Việt Nam. Nên sử dụng túi chống nước cho các thiết bị điện tử mắc tiền.

Ngoài ra, khi du lịch nước ngoài, bạn nên mang theo 1 số đồ y tế cơ bản như: thuốc đau họng, đau bụng, cảm sốt; urgo, dầu, bao cao su… nên gom chung vào 1 túi nhỏ cất gọn trong balo ở chỗ dễ lấy.

8. Cài những ứng dụng du lịch hữu dụng vào điện thoại :

Và cuối cùng nhưng không kém phần long trọng, đó là chịu khó cài thêm các ứng dụng (app) hỗ trợ du lịch. Ví dụ như app Metro (tàu điện), đến thành phố nào có tàu điện thì tải ngay cái app tàu điện của thành phố đó xuống để đi lại cho tiện.

  • App dự báo thời tiết: thường điện thoại sẽ có sẵn app này.
  • App đổi tiền:  Currency
  • App tìm địa điểm ăn uống: Foursquare, Local Eats..
  • App tìm đường: Google map, Citymapper..
  • App dịch: Googletranslate, Duo Lingo…
  • App tìm địa điểmthamquan: Time Out,tripAdvisor..
  • App tìm bạn bè địa phương: Couchsurfing..

II. Trong chuyến đi

1. Mua đồ đạc

Bạn nên hạn chế mang đồ nếu bạn không mua thêm hành lý, mua 1 gói hành lý sát giờ bay ở các chuyến bay quốc tế sẽ có giá rất cao. Lưu ý những đồ dùng bị cấm mang lên máy bay để không bị mất: đồ sắc nhọn, chất lỏng dung lượng lớn, đồ cháy nổ…Nếu mang theo các đồ vật quý có giá trị như đồ nữ trang gắn kim cương cỡ lớn, camera, máy chụp ảnh đắt tiền... bạn rất nên khai báo với hải quan.

Khi mua hàng hóa với số lượng lớn, hàng điện tử có giá trị hơn 300 USD, bạn sẽ phải tự đóng thuế và tiền cước (nếu có). Khi đi theo đoàn, bạn cố gắng đừng tách riêng, dễ bị lạc; khi tách đoàn nên báo cho hướng dẫn viên du lịch biết.

2. Đổi tiền tại sân bay

Khi đi du lịch quốc tế, những du khách 'nghiệp dư' mới đổi tiền ở sân bay, bởi tỉ giá ngoại tệ luôn tốt hơn khi vào trong thành phố. Vì vậy, bạn chỉ nên đổi một lượng tiền đủ dùng, thực sự cần thiết ở sân bay trước khi vào thành phố và tìm được nơi có tỉ giá tốt hơn.
Khi đổi tiền, nhớ lấy một số tiền mệch giá nhỏ, chọn loại tiền sạch, không rách, không bạc màu. Tiền mệnh giá nhỏ thuận tiện cho việc mua những đồ lặt vặt, tip, đồ ăn, uống…Nhưng cũng không cần quá nhiều, “mất công” phải tiêu vào cuối chuyến đi.

3. Đến sớm hoặc tính toán trước các khả năng xảy ra

Bạn còn có thể đối mặt với tình trạng chen lấn, xếp hàng tại sân bay, nhà ga nếu như bạn không đến sớm và tính toán trước các khả năng có thể xảy ra như tắc đường, xe hỏng... Điều này có thể khiến chuyến du lịch của bạn phải hủy bỏ. 

4. Bảo quản các giấy tờ quan trọng

Các giấy tờ quan trọng đó là hộ chiếu, bảo hiểm du lịch, thẻ tín dụng... Lỗi này có thể khiến cho bạn rơi vào thảm họa nếu bị mất trộm. Bạn cũng nên cẩn thận xem lại thời hạn trên hộ chiếu và visa, kẻo lại được phen chạy tán loạn trong kỳ nghỉ.
Nên để bản copy hộ chiếu, lịch trình tour, số liên lạc trong tất cả các túi hành lý. Nếu chẳng may hành lý bị thất lạc thì cơ hội để hành lý đến tay của bạn cũng sẽ nhanh hơn và chắc chắn hơn.
Bạn sẽ cần bản gốc hộ chiếu để đi qua cửa khẩu, hay đi lại ở sân bay. Trong hầu hết những tình huống khác, chẳng hạn làm thủ tục nhận phòng ở khách sạn, sử dụng bản sao cũng không có vấn đề gì. Như vậy, bạn sẽ chỉ cần đến bản gốc mỗi khi di chuyển.

Bạn không nên quên mang bất cứ một giấy tờ nào có liên quan đến việc xuất nhập cảnh. Đối với những tờ khai đúp, bạn phải giữ lại tờ khai phía sau để làm thủ tục xuất cảnh tại các nước. Đối với Việt kiều và người không có quốc tịch VN đi theo tour, nếu quay về VN thì phải khai lại giấy hải quan (màu vàng) và giấy xuất nhập cảnh (màu xanh) mới, cần mang theo ảnh (loại 4x6) nếu phải lấy visa nước ngoài.

5. Tính đến chênh lệch về múi giờ 

Khi đặt vé máy bay, khách sạn hoặc thuê các phương diện giao thông bạn quên tính đến chênh lệch múi giờ của điểm du lịch. Ngoài ra việc không tìm hiểu trước lịch lễ hội địa phương trong thời gian mình du lịch cũng có thể gây nhiều phiền phức cho bạn trong việc di chuyển. Vì vậy bạn dễ tá hỏa khi tới nơi mà không thể thuê được khách sạn, không mua được vé máy bay, tàu hỏa hay xe bus.

6. Tôn trọng văn hóa địa phương 

Có thể bạn tới một nơi khá truyền thống mà lại mặc váy siêu ngắn, áo ống để khoe da thịt. Điều này sẽ khiến bạn không nhận được thiện cảm từ người địa phương.

7. Cẩn thận với ví tiền và đồ đạc 

Dù điểm đến có an toàn đến đâu thì ở bất cứ thành phố nào cũng có những kẻ móc túi. Khách du lịch thường là những miếng mồi ngon. Bạn nên có một nơi thật an toàn để để cất giữ tiền bạc và thẻ tín dụng, ví dụ nên có một túi mề gà đeo sát bụng. Bạn cũng nên nhập số số điện thoại của ngân hàng phát hành thẻ, nếu trường hợp bị mất thẻ thì có thể báo ngay để khóa thẻ tín dụng.

8. Luôn mang theo tiền nội tệ

Luôn có ít tiền địa phương trong người. Mặc dù USD hoặc Euro rất phổ biến. Nhưng nếu bạn ra ngoài những thành phố lớn hoặc tại một số cửa hàng nhỏ không nhận ngoại tệ hoặc chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng.

9. Sử dụng két an toàn của khách sạn.

Ngày càng nhiều khách sạn có két sắt an toàn, bạn nên có thói quen để tiền bạc, trang sức, hộ chiếu và những vật dụng quan trọng vào két sắt. Sử dụng két sắt cũng rất đơn giản, thường bạn chỉ cần phải nhập 3 hoặc 4 số để khởi động và sử dụng.

Nếu ra khỏi khách sạn, bạn nhớ mang theo card hoặc sơ đồ vẽ đường tới khách sạn, phòng khi bị lạc đường. Đi chơi tại nơi công cộng, bạn chú ý đừng hút thuốc và xả rác, vì không khéo bạn có thể bị phạt rất nặng.

10. Tiếp cận người lạ

Những chuyến đi một mình là bất cứ ai cũng có thể trở thành bạn của bạn. Thực tế, bạn sẽ có rất nhiều người bạn (thậm chí còn gọi là bạn thân) từ những lần thân thiện nói “chào”, trò chuyện hay đề nghị cùng chia sẻ một bữa ăn, phòng trọ.

Bí quyết để nhận diện người có thể làm bạn là sử dụng khả năng quan sát, tin vào trực giác của mình. Đừng ngại bỏ đi hoặc tránh xa những người khiến bạn khó chịu. Thậm chí nếu bị gây phiền nhiễu, quấy rối, bạn hoàn toàn có thể la lớn để thu hút sự chú ý của người xung quanh.

Trên đường đi, những người lạ mặt có thể chỉ cho bạn những nhà hàng, cửa tiệm và cả các điểm tham quan thú vị nhất mà Internet chưa chắc đã có. Nếu chẳng may bị lạc, họ có thể giúp bạn tìm lại đường cần đi. Dù tiếp cận người lạ có thể hơi đáng sợ một chút, nhưng bạn có thể bắt đầu bằng cách hỏi những chủ tiệm hoặc nhân viên khách sạn (dù bạn không trú tại đó). Dù ở đâu, những người làm dịch vụ thường nói được nhiều ngôn ngữ hơn cả.

 

Viết Bình Luận (Cam kết thông tin được bảo mật)

Hotline

Tỷ giá
Tỷ giá

Nhận tin qua Email

Video du học

Visa mới nhất

Megastudy đã tư vấn thành công cho hàng nghìn visa cho các du học sinh đi học tại các nước nền giáo dục hàng đầu thế giới như: Anh, Úc, Mỹ, Canada, New Zealand, Thụy Sỹ, Singapore…

  • nguyen-t-tuyet-t_du-lich-uc
    Nguyễn T Tuyết T_du lịch Úc
  • le-nam-t_visa-du-lich-uc
    Lê Nam T_visa du lịch Úc
  • mai-nguyen-ta_du-hoc-new-zealand
    Mai Nguyễn TA_du học New Zealand
  • ly-q-p_-du-hoc-new-zealand
    Lý Q.P_ du học New Zealand