Tiết kiệm có lẽ là yếu tố đầu tiên khiến người dân châu Âu ủng hộ việc đi xe đạp. Ở đây, phương tiện giao thông công cộng tốn rất nhiều tiền, đặc biệt là đối với những người không có thẻ thành viên trả trước (theo tháng hoặc năm). Một lần lên métro(tàu điện ngầm) ở Paris sẽ ngốn của bạn 1,7euros, hay vé xe bus (tramway) ở Hà Lan đã là 2,5euros cho 30 phút di chuyển. Chính vì thế, sở hữu một chiếc xe đạp sẽ giúp bạn đỡ tốn hơn rất nhiều.
Trong khi đó, giá mua xe đạp lại khá rẻ (nếu tính về lâu về dài), đặc biệt là những chiếc xe đạp đã qua sử dụng. Còn nhớ năm học 2012, tôi đã tìm đến tận khu chợ mở Waterlooplein để mua xe. Rời khu chợ, tôi ra về với chiếc xe đạp leo núi màu vàng có giá 60E, tặng kèm một chiếc khóa xe mới toanh.
Lí do kế tiếp là vì đường sá châu Âu được xây dựng thông minh, an toàn với việc đầu tư làn đường riêng cho người đi xe đạp. Chính vì thế, ngoài thanh niên và trung niên, trẻ em và người già cũng là lực lượng tham gia giao thông bằng xe đạp.
Để thu hút nhiều người tham gia đi xe đạp, hệ thống xe đạp vélib (xe đạp công cộng) có thể bắt gặp ở hầu hết các đô thị lớn ở Pháp: Paris, Lyon, Strasbourg, Besancon, Dijon… Nếu muốn sử dụng hệ thống xe đạp này, bạn phải làm một chiếc thẻ thành viên và trả phí (hàng năm, mức phí rẻ hơn nhiều so với vé xe bus hoặc tramway). Mỗi lần muốn sử dụng xe, bạn chỉ cần cà thẻ vào máy rồi lấy xe đi. Điều hay nhất là bạn không cần phải về lại đúng chỗ cũ mà chỉ cần tìm bãi xe vélib ở bất kì địa điểm nào khác trong thành phố để trả xe.
Ở các nước có lượng xe đạp đông đúc như Hà Lan (số xe đạp đông hơn cả dân số nước này), người đi xe đạp còn có đèn giao thông và được trang bị nhiều bãi giữ xe miễn phí ở khắp các hang cùng ngõ hẻm. Nếu không tìm ra được bãi giữ xe công cộng? Cứ khóa đại xe bạn vào gốc cây hay cột điện!
Thêm nữa là vì người châu Âu được giáo dục tư tưởng sống vì môi trường nên họ luôn đặt yếu tố xanh lên hàng đầu. Đi xe đạp không những giúp xanh sạch cho môi trường (giảm lượng khí thải từ xe hơi) mà còn góp phần làm dẻo dai cơ thể. Chính vì thế mà bạn có thể bắt gặp đủ mọi hạng người công kênh trên chiếc xe đạp ngoài phố mỗi ngày, từ anh nhân viên ngân hàng mặc vest chỉn chu đến cô nội trợ, rồi trẻ em và cả các cụ già thủng thỉnh đạp xe đến thư viện thành phố đọc báo mỗi sáng.
Cuối cùng, đối với các du học sinh, đi xe đạp cũng sẽ giúp bạn có điều kiện tham gia những chuyến đạp xe xuyên rừng, về ngoại ô, đi công viên tắm nắng với sinh viên bản địa. Có xe đạp, bạn cũng sẽ chủ động hơn vào những dịp đi party thâu đêm suốt sáng (trong khi hệ thống giao thông công cộng thường ngưng hoạt động vào khoảng nửa đêm).
Cô bạn người Hi Lạp của tôi có lần nói cô ấy đã đọc ở đâu đó rằng “Hà Lan là quốc gia hạnh phuc nhất thế giới vì những người dân ở đó có vẻ chẳng bao giờ phải hối hả. Họ cứ chầm chậm hưởng thụ cuộc sống qua những vòng quay xe đạp”. Hay tạp chí Forbes năm 2014 cũng đã công bố những quốc gia như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Hà Lan đều nằm trong top những nước hạnh phúc nhất thế giới - cũng chính là năm quốc gia Bắc Âu có mật độ “phủ sóng” của xe đạp dày đặc nhất. Vậy mới nói, ở các nước Bắc Âu, đạp xe cũng là một niềm hạnh phúc!