Sông nước mùa hè vùng Ticino, Thụy Sĩ nói tiếng Ý
Lần đầu sang du lịch, tôi chỉ loanh quanh ở các thành phố lớn, dễ đi, tiện ghé. Các thành phố của Thụy Sĩ không phải không đẹp, nhưng nếu so với những thành phố châu Âu cổ kính khác thì các thành phố Thụy Sĩ đẹp một cách bình thường, không quá ấn tượng. Thụy Sĩ trước đây từng là một nước nghèo, không tài nguyên khoáng sản. Suốt bao thế kỷ, nguồn “xuất khẩu” lớn nhất của Thụy Sĩ là những chàng trai khỏe mạnh đi làm nông hay lính đánh thuê cho các lãnh chúa Pháp, Ý, Đức giàu có. Không giàu tài nguyên, không chiến tranh cướp phá, Thụy Sĩ không có nhiều cung điện nguy nga, không bảo tàng đồ sộ, ít tượng đài và nói chung các thành phố của Thụy Sĩ không có nhiều thứ để khách du lịch phải trầm trồ. Muốn thấy một Thụy Sĩ đẹp độc đáo, bạn cần có thời gian, và nhiệt tình khám phá. Có thời gian để đi hàng trăm cây số ra xa ngoại ô, có nhiệt tình để không ngại khám phá núi non, sông hồ.
Thụy Sĩ là một nước miền núi nhỏ, diện tích cũng như dân số chỉ khoảng 1/10 diện tích và dân số Việt Nam, nhưng có tới 26 bang, mỗi bang có quy định luật pháp và quyền tự quyết riêng, dựa trên hiến pháp chung toàn liên bang. Liên bang Thụy Sĩ bao gồm 4 vùng ngôn ngữ, vùng Thụy Sĩ nói tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý, và tiếng Rô-man (Romansh, ngôn ngữ địa phương vùng núi Alps kết hợp từ tiếng Đức, tiếng Ý và thổ ngữ miền núi). Các thành phố của Thụy Sĩ khá nhỏ, xung quanh nhiều núi, lắm hồ, từ thành phố lái xe hoặc ngồi tàu 10-15 phút đã gặp cảnh đồng quê xinh xắn. Từ các thành phố lớn của Thụy Sĩ như Zurich, Bern, Luzern, Basel, Geneva, Lausanne, Montreux đều có các tuyến tàu hỏa, xe buýt lên các vùng núi ngắm cảnh. Tuy nhiên muốn lên núi cao, những nơi quanh năm tuyết phủ, trượt tuyết cả giữa mùa hè thì phải đi sâu vào trong các vùng núi ngoắt ngoéo, các công viên tự nhiên, từ các làng chân núi bắt những chuyến tàu bánh răng hoặc cáp treo lên đỉnh.
Tàu bánh răng đưa khách lên đỉnh núi cao hơn 3000m
HÃY KHÁM PHÁ THIÊN NHIÊN…
Đến Thụy Sĩ không cần nhiều thời gian thăm thú các thành phố, nhưng hãy gắng bỏ thời gian khám phá thiên nhiên. Thuê xe riêng để lái cũng rất tiện, tuy nhiên trải nghiệm tham quan dọc ngang Thụy Sĩ trên các tuyến tàu hỏa là đặc sản vô cùng độc đáo. Người Thụy Sĩ vẫn tự hào, tài sản của họ chính là con người Thụy Sĩ, cần cù và chính xác. Những tuyến đường sắt leo núi, xuyên hầm của Thụy Sĩ được xây dựng từ cách đây hàng trăm năm và hiện vẫn hoạt động.
Những tuyến tàu thăm quan nổi tiếng nhất là tuyến Glacier Express xuyên vùng núi Alps thuộc Thụy Sĩ – Đức từ Davos sang Zermatt, tuyến Bernina Express từ vùng tiếng Đức sang vùng tiếng Ý, tuyến Golden Express từ Montreux vùng tiếng Pháp lên Interlaken vùng Đức, hay tuyến Mont Blanc Express từ Martigny của Thụy Sĩ vượt biên giới sang Chamonix bên Pháp. Trên những tuyến này có những khoang tàu du lịch được thiết kế cửa kính lớn thuận tiện ngắm cảnh, không băng nhanh xuyên hầm, mà chậm chậm vượt đèo qua các đỉnh núi, sông băng. Bạn cần phải có thời gian, bởi mỗi tuyến nếu ngồi từ đầu đến cuối cũng mất nguyên ngày, tất nhiên bạn có thể chọn lên hoặc xuống các ga giữa chừng mà không cần đi hết. Ngoài ra, tại mỗi vùng nghỉ dưỡng trượt tuyết của Thụy Sĩ đều có vô số tuyến tàu bánh răng, cáp treo đưa khách từ các ngôi làng nhỏ dưới chân núi lên đỉnh, vào sông băng.
Độc đáo nhất có thể kể đến tuyến tàu xuyên lòng núi từ dưới chân lên đỉnh Jungfrau cao hơn 4.000m, được mệnh danh là tuyến tàu ngầm (metro) cao nhất thế giới, hay tuyến tàu bánh răng từ làng Zermatt lên đỉnh Gornergrat cao hơn 3.000m ngắm đỉnh Matterhorn sừng sững. Không chỉ đơn thuần là ngắm cảnh, nếu quan tâm, trong toa tàu và tại các nhà ga đặc biệt này đều có thông tin, hình ảnh, phim chiếu kể lại quá trình thiết kế và thi công các tuyến đường sắt đầy thử thách này. Để một lần bạn không khỏi khâm phục trí tuệ và quyết tâm của những kỹ sư, công nhân Thụy Sĩ.
Hệ thống giao thông công cộng ở Thụy Sĩ cực kỳ thuận tiện, dễ tra cứu và đặt trước online. Ở những vùng miền núi hẻo lánh, không có đường sắt thì đã có hệ thống xe buýt của bưu điện (Post Car) đón khách tại cửa ga, đưa khách đi tiếp đến mọi miền quê Thụy Sĩ. Người Thụy Sĩ chính xác, về cơ bản rất hiếm khi trễ giờ, hủy chuyến.
Nếu có điều kiện, bạn cũng có thể thử nghiệm các hình thức khám phá thiên nhiên khác như bay trực thăng, dù lượn, khinh khí cầu, hoặc các tuyến tàu thủy, ca nô trên hồ, thuyền vượt thác trên sông. Mọi dịch vụ đều vô cùng thuận tiện, đáng tin cậy, chỉ cần bạn chịu khó tra cứu thông tin và đặt trước qua mạng.
Ruộng nho bậc thang mùa thu vàng
Cuối cùng, và tất nhiên vẫn là cách khám phá thiên nhiên căn bản nhất: đi bộ và leo núi! Thụy Sĩ và các nước vùng núi Alps nói chung là thiên đường của những người yêu thích hoạt động thể thao ngoài trời. Hàng trăm tuyến đi bộ dã ngoại mùa hè sẽ biến thành các tuyến đi bộ hoặc trượt tuyết mùa đông. Tại bất kỳ vùng trượt tuyết nào cũng có các cửa hàng cho thuê dụng cụ cho đủ các loại hình. Nếu không phải người có kinh nghiệm trượt tuyết tốc độ (downhill ski), bạn vẫn có thể dễ dàng tham gia các tuyến trượt tuyết đường bằng (cross-country ski) chỉ sau 10-15 phút hướng dẫn làm quen, hoặc thuê giày răng cưa để đi bộ trên đường núi tuyết trơn trượt.
Sau một ngày đầy ắp các hoạt động thể thao khám phá, không gì thú vị hơn bằng việc ngâm mình trong các bể tắm khoáng nóng giữa trời mùa đông lạnh giá với khung cảnh núi tuyết phủ trắng xung quanh. Đã từ rất lâu, các khu nghỉ dưỡng tắm khoáng nóng của Thụy Sĩ cực kỳ nổi tiếng trong giới quý tộc châu Âu, ngày nay với điều kiện du lịch phát triển, rất nhiều khách sạn của Thụy Sĩ mở dịch vụ này, phục vụ nhu cầu khách du lịch bình dân hơn.
Đồi hoa thủy tiên dại mùa xuân
Có thông tin nói rằng Thụy Sĩ là một trong những nước làm tốt nhất công tác tổ chức du lịch. Khác với nhiều nước khác, ở Thụy Sĩ không sẵn các tour đón rước tận nơi nhưng thông tin để khách tự khám phá thì rất nhiều, rõ ràng, dễ truy cập. Mạng lưới giao thông tổ chức quy củ, đúng giờ, kết nối hợp lý. Các phòng du lịch sẵn sàng cung cấp thông tin, sách giới thiệu miễn phí, các loại bản đồ thành phố, bản đồ hệ thống giao thông công cộng, bản đồ đường bộ, bản đồ các tuyến mô tô, xe đạp, các tuyến dã ngoại đi bộ trên núi, quanh hồ. Trên đường, dù là tại các trạm nghỉ đường cao tốc, hay các nhà trạm trên đường dã ngoại, hầu hết đều có 2 thứ miễn phí là nước uống (ghi rõ portable water là nước uống được) và toilet công cộng. Ngòai ra tại các trạm nghỉ trên núi luôn có sẵn các bộ dụng cụ chỉnh vặn các trang thiết bị leo núi khi cần.
Mùa hè lên núi rất dễ gặp các chú chuột dũi marmott chơi nghịch
…VÀ NHỮNG LỄ HỘI NÔNG DÂN
Tuy là một nước bé nhỏ, dân số ít, nhưng Thụy Sĩ hiện có khá nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ dẫn đầu thế giới, mang lại nhiều nguồn lợi lớn cho đất nước: đồng hồ, cơ khí máy móc chính xác, ngân hàng và các dịch vụ tư vấn luật. Dù vậy, người dân Thụy Sĩ vẫn tự nhận nước họ là nước nông nghiệp truyền thống. Có lẽ nông dân Thụy Sĩ là một trong những người dân cần cù và khiêm tốn nhất thế giới. Dù đã có rất nhiều công cụ hiện đại hỗ trợ, nhưng với địa hình miền núi ruộng bậc thang, rất nhiều nơi người dân vẫn sử dụng các dụng cụ truyền thống trong công việc hàng ngày. Họ vẫn nói, cho dù ngày nào đó kinh tế bị ảnh hưởng, các ngành công nghiệp hay dịch vụ có lao đao, thì nếu chăm chỉ, vẫn luôn còn các sản phẩm nông nghiệp nuôi sống người dân Thụy Sĩ.
Lễ hội mùa xuân tiễn các đoàn gia súc lên núi ăn cỏ
Nông nghiệp luôn được coi trọng và phần lớn mọi lễ hội truyền thống, từ lễ hội ở Thủ đô, thành phố lớn, đến lễ hội tại các làng nhỏ, nông thôn xa xôi hay miền núi heo hút Thụy Sĩ đều liên quan đến nhà nông và các vật nuôi trồng.Hai lễ hội lớn nhất gắn với nhà nông là lễ hội tiễn vật nuôi lên núi ăn cỏ vào mùa xuân và lễ hội đón vật nuôi xuống núi tránh rét vào mùa thu hàng năm.
Thanh niên địa phương làm công tác thu dọn phân rơi sau đoàn diễu hành
Vào tháng 4 và tháng 9 hàng năm khắp các vùng, các làng lần lượt tổ chức lễ hội. Các loài gia súc gia cầm, bò, ngựa, dê, cừu, ngỗng vịt được tụ tập, kết hoa, đeo chuông, diễu hành dọc phố chính, với sự hộ tống bởi các đoàn diễu hành đại diện các ngành nghề địa phương, các đoàn nhạc công, múa hát dân tộc, và sự cổ vũ của người dân hai bên đường. Vào ngày này người dân tụ tập cùng ăn những món ăn truyền thống như pho mát nướng chảy, bánh mì nhúng pho mát, các loại xúc xích, thịt nguội, dưa chua, và cùng uống những thức uống truyền thống như rượu vang nóng, các loại nước ép quả, trà thảo mộc địa phương. Mọi người mặc những trang phục truyền thống, đi các loại giày da khâu tay, guốc gỗ, hát và múa những điệu nhảy truyền thống của nông dân. Người dân địa phương được nghỉ ngơi tụ tập, trẻ em thành phố cũng được dịp hiểu biết thêm về nghề nông, được tận mắt tận tay sờ vào các loại bò, cừu, dê, ngựa.
Đã rất nhiều người nước ngoài sống và làm việc ở đây khi mới đến thường nghĩ Thụy Sĩ nước nhỏ, buồn chán. Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu thông tin sẽ biết ở đây quanh năm diễn ra rất nhiều các lễ hội văn hóa truyền thống, các sự kiện thể thao, nghệ thuật.
Hội thi bơi cúp Noel giữa mùa đông tại hồ Geneva
Tháng 1 có các sự kiện, festival liên quan đến trượt tuyết, marathon trên tuyết. Tháng 2 có lễ hội khinh khí cầu. Tháng 3 là mùa lễ hội hóa trang, lễ hội sô cô la.
Tháng 4 tiễn vật nuôi lên núi. Tháng 5 lễ hội đua ngựa. Tháng 6 lễ hội thổi kèn.
Tháng 7 lễ hội âm nhạc dân tộc, âm nhạc đường phố. Tháng 8 các hoạt động lễ hội liên quan ngày quốc khánh. Tháng 9 lễ hội đón vật nuôi xuống núi.
Tháng 10 hội chợ nấm, lễ hội hạt dẻ. Tháng 11 lễ hội đua thuyền bí ngô. Tháng 12 liên tục các lễ hội ánh sáng, hoạt động thi bơi nước lạnh cúp Giáng Sinh.
Cũng như du lịch Thụy Sĩ, thông tin về các lễ hội và hoạt động văn hóa diễn ra quanh Thụy Sĩ rất phổ biến và dễ truy cập trên mạng internet. Lễ hội và các hoạt động văn hóa diễn ra quanh năm, ngày lễ lớn có lễ hội lớn, ngày thường có các sự kiện hoạt động nhỏ, chỉ cần bạn quan tâm và có đam mê khám phá!
MỘT VÀI ĐỊA CHỈ HỮU ÍCH ĐỂ DU LỊCH THỤY SĨ
* Trang web du lịch Thụy Sĩ: http://www.myswitzerland.com
Vào trang này có thể tìm kiếm thông tin theo vùng, theo lễ hội, theo mùa, theo các hạng mục sông, hồ, công viên, theo các hoạt động: leo núi, đi bộ, nhảy dù …Ngoài ra có thể gõ bất kỳ từ khóa nào sẽ ra rất nhiều trang web cụ thể, thông tin chi tiết hơn của phòng du lịch địa phương đó.
Lễ hội khinh khí cầu mùa đông trên núi Alps
* Trang web hệ thống giao thông Thụy Sĩ: www.sbb.ch/en
Điền ga đến, ga đi, ngày giờ vào sẽ ra đầy đủ thông tin tuyến đường, loại tàu, xe búyt; có thể tìm kiếm theo thời gian đi hoặc đến. Các tuyến tàu du lịch nổi tiếng nhất:
Glacier Express http://www.glacierexpress.ch
Bernina Express https://www.rhb.ch/en/panoramic-trains/bernina-express
Golden Pass http://www.goldenpass.ch/?Language=EN
Mont Blanc Express http://www.sbb.ch/en/leisure-holidays/day-trips/enjoyment.angebotdetail.tagesausfluege-plausch-berge-tipp_mont_blanc_express.html
Ngoài ra, tại mỗi vùng núi sẽ có vô số các tuyến tàu bánh răng, cáp treo, các dịch vụ bay dù, trực thăng tại nơi đó, có thể tìm kiếm thông tin cụ thể tại trang web du lịch của địa phương đó.
* Thụy Sĩ tiêu tiền Franc, 1fr tương đương 1.2$ hoặc 0.9 Euro.
* Trang phục giày dép leo núi: thời tiết miền núi thất thường, thay đổi theo độ cao, nên có đầy đủ các trang phục gọn nhẹ, chống thấm, chống gió. Mùa hè nên có áo khoác nhẹ, mũ và kính chống nắng. Mùa đông nên có quần áo phao chống thấm, tránh mặc đồ dạ, cotton dễ ngấm hơi tuyết lạnh. Tốt nhất nên trang bị áo, quần mặc trong loại giữ nhiệt, vừa ấm vừa thoáng khí, không ngấm mồ hôi, tránh cảm lạnh. Nên có đầy đủ khăn, mũ, găng, bôi kem chống nắng dày tránh bắt nắng phản xạ từ nền tuyết. Giày mùa đông mùa hè đều nên là loại đế sắc, mùa đông có thể có loại đế đinh, trống trơn trượt, chống thấm. Tốt nhất nên đi giày cao cổ, giữ cho cổ chân đỡ bị vẹo trong trường hợp trượt ngã.
* Trước khi lên núi nên tham khảo thông tin tại phòng du lịch, đặc biệt thông tin thời tiết cập nhật theo giờ. Tại mọi phòng du lịch và nhà ga dưới chân núi đều có màn hình webcam chiếu cảnh trực tiếp trên đỉnh núi để khách tham khảo tình hình mây mù, mưa gió.
Nếu có nhu cầu tham gia các tuyến leo núi, đi bộ trên sông băng… nên tham khảo thông tin tại phòng du lịch. Tuyệt đối nên đi theo các đoàn có hướng dẫn địa phương nếu đó là các tuyến mạo hiểm, vắng người, có quy định hướng dẫn.
Lễ hội thổi kèn Alphorn quốc tế gồm hơn 160 người tham dự
* Ẩm thực: Hãy tranh thủ thử nếm các món ăn truyền thống miền núi Alps như pho mát nướng (raclette), bánh mì nhúng pho mát chảy (fondue), các loại xúc xích, thịt hun khói, thịt muối khô cùng các loại rượu vang nóng hoặc các loại rượu mạnh tinh chế từ lê, mận, táo.
Nguồn: danongmagazine