Để bắt đầu kỳ học mới, Chính phủ Australia đã lên kế hoạch đưa 350 du học sinh trở lại thủ đô Canberra vào cuối tháng 7 để tiếp tục học tập. Chương trình này mang tính chất thử nghiệm để lan rộng toàn quốc khi các đại học và chính quyền bang phối hợp trả chi phí cách ly 2 tuần tại khách sạn cho du học sinh. Hai đại học Australia sẽ phải lựa chọn 350 trong số hàng nghìn du học sinh. Các em sẽ tự di chuyển đến Australia trước khi được cánh ly 2 tuần theo quy định của chính phủ.
Chương trình thử nghiệm đang vấp phải sự phản đối của chính quyền liên bang, khi Thủ tướng Scott Morrison kiến nghị các bang của Australia phải mở cửa lẫn nhau để học sinh nội địa có thể đi học, trước khi sinh viên quốc tế trở lại.
Australia muốn nhanh chóng đón du học sinh vì nền giáo dục phụ thuộc rất lớn họ, nhóm chiến gần 1/4 toàn bộ học sinh cả nước. Tỷ lệ du học sinh tại Australia cao thứ hai toàn cầu, chỉ sau Luxembourg, đóng góp hơn 40% lợi nhuận của giáo dục đại học ở Australia. Trong đó hơn 37% du học sinh tới Australia đều đến từ Trung Quốc.
Kế hoạch táo bạo này của Chính phủ Australia nhằm giúp nền giáo dục 38 tỷ AUD (khoảng 450.000 tỷ đồng) phục hồi sau đại dịch, nhưng chưa chắc đảm bảo lâu dài. Quan hệ Trung – Australia đang bị đóng băng sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison dẫn đầu cuộc điều tra truy cứu nguồn gốc của Covid-19. Đáp trả, Trung Quốc đã cảnh báo về khả năng bị phân biệt chủng tộc ở Australia nếu người dân Trung Quốc đến học hay du lịch ở đây.
Thủ tướng Australia Scott Morrison
“Đây là tình huống rất nhạy cảm cho các đại học Australia khi phải cùng lúc đối phó với hai vấn đề lớn gồm dịch bệnh và căng thẳng ngoại giao”, bà Angela Lehmann, chuyên gia phân tích giáo dục ở Melbourne, Australia, chia sẻ.
Ảnh hưởng từ căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia đến lượng du học sinh có thể mất vài tháng để chỉ ra bằng số liệu cụ thể. Tuy nhiên, đây là một điều khó tránh khỏi, khi đa số cư dân Trung Quốc sẽ cân nhắc quan hệ ngoại giao giữa hai nước khi lựa chọn điểm đến du lịch và học tập, theo một nghiên cứu của báo Global Times, Trung Quốc.
So với Anh, Mỹ và Pháp, Australia đã bị tụt lại trong sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường giáo dục toàn cầu những năm gần đây. Các quốc gia châu Âu, Mỹ rất tích cực đưa chương trình giáo dục của họ đến giảng dạy ở trường phổ thông quốc tế của đất nước khác, tạo nền tảng cho học sinh tiếp tục học lên đại học của Mỹ, Anh và Canada.
Theo ông Phil Honeywood, Giám đốc Hiệp hội Giáo dục toàn cầu của Australia, chỉ trong 6 năm, ở Trung Quốc, số trường phổ thông quốc tế giảng dạy chương trình nước ngoài tăng từ 150 lên 500, tuy nhiên chỉ 39 trường dạy theo chương trình của Australia.
Các đại học của Mỹ và Anh cũng tích cực xây dựng các cơ sở quốc tế. Cùng với Pháp và Nga, các đại học này chiếm đến 2/3 trong số 294 cơ sở giáo dục liên quốc gia trên toàn cầu, trong khi Australia chỉ có 19, theo như số liệu nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu Giáo dục xuyên biên giới.
Ông Honeywood chỉ ra thực tế, trước đây các đại học Australia phụ thuộc vào tuyển sinh du học sinh nước ngoài đến Australia học tập mà quên đầu tư, cung cấp chương trình cho các cơ sở ở nước ngoài.
Mặc dù có 6 trong số 100 trường đại học tốt nhất toàn cầu, theo đánh giá của tổ chức Times Higher Education, giáo dục Australia thường không được đánh giá cao như các trường Ivy League của Mỹ hay các đại học đứng đầu ở Anh.
Tuy vậy, Australia vẫn có những lợi thế nhất định so với các nền giáo dục khác với 8.000 ca nhiễm bệnh và 104 người chết, so với ảnh hưởng nghiêm trọng ở Mỹ hay Anh. Nếu tình hình dịch bệnh phát triển tích cực, Australia cũng có lợi thế khi năm học chính thức bắt đầu vào tháng 2, thời điểm phù hợp hơn so với tháng 8-9 của các trường đại học châu Âu và Mỹ.
Nếu có thể đưa ra một động thái rõ ràng, toàn diện về sự chăm lo cho du học sinh quốc tế, Australia sẽ có lợi thế vô cùng lớn so với các nước khác, ông Honeywood đánh giá.
Nguồn: Phan Nghĩa (Theo Bloomberg)