Viện Macdonald-Laurier đã tiến hành nghiên cứu 15 quốc gia về phản ứng đối với đại dịch COVID-19 dựa trên chỉ số tổng hợp gồm 16 thước đo, trong đó có tỷ lệ tử vong, tốc độ tiêm chủng, mức độ nghiêm ngặt của biện pháp phong tỏa, sự thay đổi của GDP, tỷ lệ thất nghiệp... và đánh giá trên thang điểm từ 0 - 100 trong mỗi danh mục.
Theo đó, Na Uy có thứ hạng tốt nhất về chỉ số tổng hợp trên, tiếp theo là New Zealand, Australia và Thụy Điển. Mỹ đứng thứ 9, Canada đứng thứ 11, tiếp đến là Italy, Pháp, Anh và cuối cùng là Tây Ban Nha..
Nhìn chung, Canada xếp hạng cao hơn các quốc gia khác trong nghiên cứu về khả năng kiềm chế dịch bệnh, nhưng lại xếp thứ 13 về tác động kinh tế và thứ 14 về phản ứng với đại dịch. Về "chất lượng cuộc sống" nói chung trong đại dịch COVID-19, Canada bị ảnh hưởng nhiều hơn mức trung bình, xếp thứ 11 trong số 15 quốc gia được nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những thách thức lớn mà các chính phủ phải đối mặt trong quá trình ứng phó với đại dịch khi phải tìm cách cân bằng giữa quyền tự do dân sự, chi phí cho các chương trình hỗ trợ khổng lồ và nguy cơ lây lan ngoài tầm kiểm soát của dịch bệnh.
Chính phủ Canada đã tránh được những đợt tăng đột biến về tỷ lệ tử vong do COVID-19, nhưng cũng phải gánh nhiều khoản nợ mới tính trên đầu người hơn cao hơn các nước phát triển khác, khi Ottawa tiếp tục chi các khoản trợ cấp hào phóng.
Ông Rick Audas, "cha đẻ" của chỉ số tổng hợp trên, bày tỏ hy vọng những phát hiện này có thể giúp gợi ý cho chính phủ trong tương lai phản ứng trong trường hợp khẩn cấp.
Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, nước này đã có 893.518 ca mắc COVID-19, trong đó 22.304 ca tử vong.
Nguồn: Theo baotintuc.vn - Hương Giang (TTXVN)