Khi chuẩn bị kế hoạch du học, du học sinh cần ước tính tổng chi phí cần trong suốt thời gian học, ít nhất phải tính được năm đầu tiên cần chi cho những việc gì. Ngoại trừ học phí thì sinh hoạt phí bao gồm tiền ăn, ở, sách và đồ dùng cho cả năm học du học sinh nên tính toán để tiết kiệm chi phí khi du học tại bất kỳ một quốc gia nào.
Tìm hiểu kỹ các loại chi phí cần thiết
Minh Tâm, sinh viên Trường Mt. San Antonio College (California, Mỹ), cho biết du học sinh Việt Nam tại Mỹ phải thật tiết kiệm nếu như gia đình không quá dư dả tiền bạc. Chẳng hạn sách học rất đắt, mua khoảng hai quyển sách cũ đã tốn khoảng 100-200 USD; giặt đồ đã mất 4-5 USD/lần giặt…
“Nên thuê nhà ở chung với người bản xứ để được chủ nhà bao các chi phí như điện, nước, Internet, gas, điện thoại… Vì các khoản này đã tiêu mất 200-300 USD/tháng. Giá thuê phòng hiện nay khoảng 600 USD/tháng/người, phòng khá hơn khoảng 800 USD/tháng/người”, Minh Tâm cho biết.
Ngoài ra, học phí cũng cao thấp tùy theo số tín chỉ mà du học sinh đăng ký. Thường một học kỳ có 12 tín chỉ, trung bình là 210 USD/tín chỉ CĐ, còn ĐH khoảng 300-400 USD/tín chỉ. Một năm học có hai mùa chính, hai mùa phụ. Nếu đăng ký học vào mùa phụ (tức thêm học kỳ 3, có trường thêm học kỳ 4) thì chỉ được học cao nhất bảy tín chỉ nhưng mỗi tín chỉ lúc này lên đến 300 USD/tín chỉ cho bậc CĐ!
Canada cũng được xếp vào một trong những quốc gia có mức sống cao nên học phí hệ CĐ mỗi năm từ 10.000 đến 15.000 CAD, ĐH từ 16.000 đến 30.000 CAD… thì mức sinh hoạt phí đã dao động từ 10.000 đến 14.000 CAD/năm học. Còn tại Hà Lan, một sinh viên sống và học tập trong một năm sẽ chi tiêu khoảng 700-1.000 EUR/tháng. Khoản tiền này dùng để trả tiền chi tiêu hằng ngày, tiền thuê nhà, lệ phí đăng ký học và học phí.
Úc khuyến khích du học sinh ở chung với gia đình người Úc, đây là cách tốt nhất để hòa nhập cuộc sống ở Úc. Ở chung nhà với giá từ 450 đến 1.000 AUD/tuần, bao gồm nấu ăn hoặc du học sinh có thể tự nấu ăn. “Tuy nhiên, phần lớn du học sinh thích thuê nhà hơn, dù ban đầu tốn kém hơn vì phải tự mua sắm đồ đạc trong nhà, chủ nhà yêu cầu phải trả tiền trước và đặt tiền thế chân bằng một tháng tiền thuê nhà. Tùy cách tìm kiếm mà giá nhà từ 400 đến 1.600 AUD/tháng. Trong một tháng, mọi chi phí về ăn uống, giải trí cũng khoảng 400 AUD” - Viễn Phương, sinh viên Trường ĐH Queensland, nói.
Đắt, rẻ tùy vùng
Theo Hồng Loan, sinh viên Trường ĐH Toulouse (Pháp), trước khi tìm một chỗ ở tại Pháp, du học sinh cần xác định khả năng tài chính và thời gian thuê để biết mình cần loại nhà ở nào. Tại Pháp chi phí thuê nhà khá cao, ngay cả ký túc xá đã có giá 100-400 EUR/tháng cho phòng 10-12m 2 nhưng không đủ để thuê. Do đó sinh viên phải thuê nhà ở bên ngoài, giá từ 600 đến 700 EUR/tháng đối với nhà ở Paris và từ 400 đến 700 EUR/tháng ở các tỉnh.
Đối với ăn uống, giải trí, đi lại thì trung bình hằng tháng phải tốn 800 EUR đối với ở tỉnh và hơn 1.000 EUR nếu ở Paris. Hồng Loan cho biết: “Bạn phải tính toán chi li mới có thể sống tại Pháp, chẳng hạn một bữa ăn ở nhà ăn sinh viên mất 3 EUR, còn ăn trong tiệm ăn nhanh tốn 7 EUR, nếu ăn trong quán ăn mất từ 10-20 EUR…”.
Tương tự Pháp, chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản cũng tùy vào vùng, trong đó chi phí sinh hoạt ở Tokyo đắt hơn nhiều so với các địa phương khác. Trần Hồng Minh, sinh viên Trường ĐH Kyushu, cho hay: “Được mệnh danh là một trong những nước có giá cả đắt đỏ nhất thế giới nên giá của 5 kg gạo đã mất 23 USD, bánh mì 5 USD, trứng gà 2 USD… Sinh hoạt phí mỗi tháng khoảng 1.000-1.200 USD, bao gồm tiền thuê nhà đã mất 370-400 USD, tiền ăn 300 USD, điện, ga, nước 90 USD, sách vở 100 USD, đi lại 80 USD… Các khoản này chưa bao gồm tiền tiêu vặt, giải trí, bảo hiểm…”.
Tại Hàn Quốc, Dương Thị Phụng Các, học viên cao học Trường ĐH Inha, cho biết một tháng học ở Hàn Quốc cũng tốn khoảng 700-800 USD chi phí sinh hoạt.
Sinh hoạt phí ở Singapore dao động từ 8.000 đến 14.000 SGD/năm. Chi phí du học Singapore tuy đắt hơn nhiều nước trong khu vực nhưng vẫn rẻ hơn từ ba đến bốn lần so với các nước châu Âu, châu Mỹ. Hằng tháng chi phí thuê nhà khoảng 200 cho đến 1.500 SGD, ăn uống trong khoảng 300-450 SGD, sách vở 30-100 SGD, đi lại 20-100 SGD…
Không chỉ vậy, bằng cấp và chất lượng đào tạo không thua bất kỳ một nước tiên tiến nào. Singapore là quốc gia có nhiều trường ĐH trên thế giới đặt phân hiệu đào tạo như Trường ĐH RMIT (Úc), ĐH Birmingham (Anh), ĐH bang New York (Mỹ)... Do đó học phí có thể tiết kiệm được từ 30% đến 60%. Sinh viên tiết kiệm được học phí, chi phí sinh hoạt mà còn có thể gặp gỡ gia đình thường xuyên.
Anh: Sinh hoạt phí cao nhất thế giới
Chi phí sinh hoạt tại Vương quốc Anh được xếp vào nhóm có chi phí cao nhất thế giới. Bà Phan Thị Bảo Phi, quản lý phát triển giáo dục Hội đồng Anh TP.HCM, thông tin: Chi phí sinh hoạt trung bình mỗi tháng tại London khoảng 800 bảng Anh, đồng thời phải chứng minh tài chính 7.200 bảng Anh cho năm đầu tiên và học phí. Còn nếu sống ở các nơi khác thì tốn khoảng 600 bảng Anh nhưng vẫn phải chứng minh tài chính 5.400 bảng Anh cho năm đầu tiên và học phí. Tuy nhiên, du học sinh sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như giảm giá tại xe buýt, tàu lửa, cửa hàng, rạp chiếu phim, viện bảo tàng…
Theo Pháp luật TP.HCM