GS J. Brenzel (Yale) có viết một bức thư về vấn đề này. Dưới đây là nội dung bức thư, được GS Vũ Hà Văn (giáo sư người Việt ở ĐH Yale) giới thiệu.
Năm nào cũng vậy, US News and World Reports, Money… lại cho ra một bản xếp hạng các trường đại học.
Việc xếp hạng các trường đại học thực chất chỉ là một hình thức kinh doanh, đánh vào tâm lý lo lắng về việc xin vào đại học của con em chúng ta. Bảng xếp hạng không mang nhiều thông tin giúp cho bạn quyêt định nên xin học ở đâu. Nhược điểm chính của nó là: Những thông số dùng trong việc tính hạng khộng liên quan gì nhiều đến những yếu tố quan trọng cho quá trình theo học của bạn.
Tôi không có ý định lên án các tạp chí về các bảng xếp hạng của họ. Đơn giản là họ chỉ làm theo sự đòi hỏi của thị trường mà thôi. Cái tôi muốn chỉ ra là sự rủi ro bạn có thể gặp trong việc lựa chọn trường học dựa theo thứ hạng, và một cách tiếp cận tốt hơn trong vấn đề này.
Muốn hiểu rõ thêm hệ thống xếp hạng, ta cần đề cập có ba câu hỏi quan trọng:
(1) Tại sao bảng xếp hạng lại rất thông dụng?
(2) Bảng xếp hạng có vấn đề gì ?
(3) Tại sao bảng xếp hạng lại là một kim chỉ nam tồi cho việc chọn trường học của bạn?
Tính thông dụng của bảng xếp hạng
Đi tìm một trường đại học tốt cho bản thân (hay cho người thân) là một nhiêm vụ khó khăn, bởi ta có quá nhiều thông tin. Hơn nữa, đây lại là một quyết định hết sức lớn lao. Bảng xếp hạng xem ra rất tiện ích, khi nó có vẻ như tổng kết được rất nhiều thông tin rối rắm và cho ta một sự so sánh toàn diện và đơn giản.
Là người tiêu dùng, chúng ta đã rất quen với việc mua sắm dựa trên hệ thống xếp hạng, đánh giá. Khi cần mua một cái máy hút bụi hay một chiếc ti vi, ta sẽ đọc Consumer Reports. Dịch vụ này có nhiều phòng thí nghiệm, kỹ sư, chuyên gia, …vv. Nhờ đó, họ có thể lọc và tổng hợp nhiều thông tin hữu ích một cách cô đọng. Từ kinh nghiêm mua sắm của bản thân, chúng ta thấy rằng có nhiều lý do để tin tưởng những lời khuyên từ Consumer Reports. Có vẻ như hệ thống xếp hạng các trường đại học đang làm một dịch vụ có ích tương tự.
Vấn đề của bảng xếp hạng
Điểm khác biệt mấu chốt là một trường đại học không phải là một cái máy hút bụi. Chọn một trường đại học để theo học là một việc làm mang tính cá nhân rất cao, và còn vô cùng tốn kém nữa. Vậy mà, ngược lại hẳn với tính quan trọng và phức tạp của nhiệm vụ này, việc xếp hạng các trường đại học, đáng tiếc, được tiến hành một cách kém khoa học và thiếu cẩn thận hơn việc xếp hạng máy hút bụi.
Bảng xếp hạng đem cho người đọc một ý tưởng là thứ hạng của trường bạn học sẽ định hướng vị trí của bạn trong cuộc sống sau này. Cái ý tưởng đó đại loại như thế này: “Người ta sẽ nghĩ tốt hơn về tôi nếu tôi học ở một trường có thứ hạng cao hơn (trường xịn hơn).” Bảng xếp hạng đã và đang đem lại cho phụ huynh và con em của họ một ám ảnh là thứ hạng của nơi bạn theo học sẽ quyết định giá trị thật của bản thân bạn và sự thành công của bạn trong tương lai.
Sự thật là gì? Ở Mỹ có hàng trăm chương trình đại học rất tốt, chương trình nào cũng có nhiều sự lựa chọn, kiến thức, và cơ hội cho sinh viên, nhiều hơn mức mà họ có thể nắm bắt trong quãng thời gian 4 năm. Sinh viên phải là người quyết đinh sẽ làm gì với những cơ hội đó, chứ không phải trường đại học quyết đinh muốn đào tạo sinh viên thành cái gì!
Ở một khía cạnh khác, cái công thức dùng để xếp hạng các trường đại học dựa trên nhiều yếu tố có rất ít liên quan đến cá nhân từng sinh viên và hoài bão của họ. Chẳng hạn như số tiền đóng góp của học sinh cũ, điểm trung bình SAT, tỷ lệ chọi để dược nhận vào trường …vv. Những số liệu này mang lại ít thông tin về độ mạnh yếu của từng chương trình cụ thể, các môn học, các khoá “honors” cho học sinh giỏi, hoặc những thông tin khác có thể nâng cao tinh thần và sự say mê của sinh viên. Sự so sánh đơn giản và dễ hiểu mà bảng xếp hạng đưa ra cho chúng ta không những không chính xác, mà còn có thể có tác dụng không tốt, bởi nó đã quên mất yếu tố quan trọng nhất đối với sinh viên, như những chương trình đào tạo cụ thể, môi trường sống và làm việc trong trường, cơ hội nói chuyện với các giảng viên, cơ hội thực tập ở nước ngoài, cư hội kiếm việc làm hay học tiếp sau đại học.
Bảng xếp hạng cũng có tác dụng xấu lên bản thân các trường đại học. Nó thúc đẩy các trường dùng nguồn lực, đôi khi không quá dồi dào, của mình vào việc tăng thứ hạng hơn là lo cho sinh viên. Nó làm cho phụ huynh hay bản thân sinh viên bỏ qua các trường học phục vụ cho sinh viên rất tốt, nhưng không mạnh về những yếu tố mà hệ thống xếp hạng đề cao. Có những trường thứ hạng thấp, nhưng ở đó những sinh viên bình thường có thể học được rất nhiều điều bổ ích. Ngược lại, ở nhiều trường thứ hạng cao, những sinh viên được chuẩn bị (từ trung học) tốt hơn lại không sử dụng hêt khả năng của mình.
Một phương pháp tốt hơn
Kểt quả các môn học tại trung học, điểm SAT, lời giởi thiệu của giáo viên, các hoạt đông ngoại khoá và những ý tưởng và hoài bão của cá nhân bạn sẽ là yếu tố quyết đinh cho việc xác định nhóm các trường đại học mà bạn có nhiều cơ hội được nhận nhất. Nếu trường trung học của bạn có ban tư vấn, thì những chuyên gia tư vấn sẽ cho bạn một số cảm nhận về những trường nằm trong nhóm trên.
Một khi bạn đã có một khái niệm chung về nhóm trường này rồi, thì chênh lệch thứ hạng giữa các trường trong nhóm không quan trọng bằng việc bạn thấy mình có thể tận dụng những cơ hội, khả năng gì tại từng trường.
Hãy phân tích các loại trường: Trường nhỏ và trường lớn. Trường chú trọng về văn hoá và trường chú trọng về kỹ thuật. Trường có tiêu chuẩn cao về học thuật hay trường có động lực tốt cho kinh doanh. Trường có những hoạt động ngoại khoá bổ ích hay có một môi trường dễ chịu trong campus. Trường có một chương trình mạnh trong lĩnh vực mà bạn quan tâm hay trường có nhiều cơ hội cho thực tập ở nước ngoài. Hãy nghĩ xem yếu tố nào là quan trọng nhất với bạn.
Khi mà bạn cân nhắc những loại trường khác nhau này, cảm giác và suy nghĩ của bạn sẽ thay đổi. Đừng quyết định một cách vội vã!
Khi mà bạn đã chọn ra loại trường nào phù hợp nhất với mình và có một danh sách các trường trong loại đó mà bạn có cơ hội được theo học, tôi vẫn muốn khuyên bạn đăng ký thêm một số trường ngoài danh sách, thuộc loại mà bạn chưa cảm thấy phù hợp nhất nhưng vẫn hứng thú với nó vì một lý do nào đó. Tạo sao ? Tôi đã thấy rất nhiều trường hợp mà cảm nhận của học sinh về truòng đại học trong muà xuân sau khi họ được chấp nhận học thay đổi rất nhiều so với mùa hè trước đó, khi họ mới đi thăm các trường này. Tâm lý và cách suy nghĩ của học sinh trong năm cuối trung học thay đổi một cách cơ bản khi họ bắt đầu chuẩn bị một cuộc sống mới độc lập, và quan niệm của họ về trường đại học cũng thay đổi theo. Hãy tự giành sẵn cho mình một vài cơ hội khi mà bạn muốn đổi ý trong mùa xuân đó.
Cuối cùng, khi đơn đã gửi rồi, bạn hãy nghỉ ngơi. Chắc là bạn sẽ được nhận vào một vài trường trong những trường bạn chọn. Bạn sẽ thăm lại một số campus trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Và bạn sẽ chuẩn bị cho ngôi trường của mình với một niềm tin rằng thứ hạng của nó không liên quan nhiều đến những việc bạn sẽ làm, những ngày bạn sẽ sống, và nó sẽ không quyết định sự thành công của quá trình trải nghiệm của bạn. Cái mà bạn đạt được tại ngôi trường của bạn –và trong cuộc sống sau này—sẽ chỉ phụ thuộc vào khả năng của bạn trước những cơ hội tuyệt vời và những thử thách lớn lao mà ngôi trường đó đem tới.
Lời người dịch: Ở Mỹ, trong năm học thứ ba trung học, phụ huynh bắt đầu đưa con em thăm những trường ĐH mà họ quan tâm. Hồ sơ xin học được nộp vào mùa đông cuối cùng ở trung học (hạn nộp thường là trong tháng 12 hoặc tháng 1), và kết quả sẽ được gửi đi trong mùa xuân.
(Theo hocthenao.vn)