Tin tức

Du học Anh bước vào khủng hoảng sau sự kiện Brexit

  • Thứ Tư, 10 Tháng 08 2016 11:06
  • Lượt xem: 1.597

Rời Liên minh châu Âu (EU), giáo dục Anh đối mặt khủng hoảng từ nguy cơ mất đội ngũ giảng viên nước ngoài, lượng sinh viên quốc tế giảm và không còn được nhận hỗ trợ tài chính.

Ngày 24/6, Anh chính thức công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Liên minh châu Âu. Theo đó, 52% người tham gia bỏ phiếu ủng hộ Brexit (từ ghép giữa Britain (nước Anh) và exit (thoát) để chỉ việc Anh rời khỏi EU). Kết quả này khiến nhiều chuyên gia giáo dục và sinh viên thất vọng.

Trước đó, một cuộc khảo sát cho thấy, 75% người độ tuổi từ 18 đến 24 ủng hộ Anh tiếp tục ở lại EU. Nhiều bạn trẻ cho rằng, những người bỏ phiếu rời EU đã tước đoạt cơ hội giáo dục và việc làm của họ và nền giáo dục Anh sẽ thiệt hại nặng.

Theo Independent, hôm 20/6, hiệu trưởng của 103 trường đại học Anh gửi thư ngỏ đến sinh viên, cảnh báo về những ảnh hưởng của Brexit đối với nền giáo dục, cũng như tương lai của thế hệ trẻ, đồng thời nhắc nhở người trẻ không nên đánh giá thấp đóng góp của giáo dục đại học.

“Hàng năm, các trường đại học đóng góp hơn 773 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh. Trong đó, 3,7 tỷ bảng đến từ sinh viên thuộc các nước khác trong EU. Các trường cũng hỗ trợ gần 380.000 công việc”, thư viết.

Rời EU, chấm dứt lợi ích về tài chính

Hàng năm, Liên minh châu Âu hỗ trợ các trường đại học Anh số tiền khá lớn. Đại học Swansea là ví dụ điển hình. Trường này vừa mở khuôn viên khoa học và sáng kiến với chi phí lên đến 475 triệu bảng. Dự án trên chắc chắn không thể thực hiện nếu không có hỗ trợ tài chính từ EU.

Việc tham gia EU khiến Anh phải gánh tài chính hộ một số thành viên khác. Tuy nhiên, các trường của nước này lại được hưởng lợi từ khối. Theo thống kê của The Complete University Guide, Anh đóng góp 11% vào ngân sách EU và chiếm 17% hỗ trợ tài chính của khối trong 7 năm trở lại đây.

Anh doi mat khung hoang du hoc neu roi EU hinh anh 1

Phần đông sinh viên Anh ủng hộ phương án Anh tiếp tục ở lại EU. Ảnh: Getty Images.

Cũng theo trang này, nhìn chung, giáo dục đại học Anh được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ tài chính, cũng như các chương trình trao đổi sinh viên trong Liên minh. Vì thế, Brexit chắc chắn ảnh hưởng công tác nghiên cứu.

Mỗi năm, Anh được EU hỗ trợ hơn 15% chi phí cho công tác nghiên cứu. Khi Anh rời khối, hầu hết các trường sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn đầu tư cho giảng dạy và nghiên cứu.

Trong thư gửi Thủ tướng David Cameron, Megan Dunn, Chủ tịch Hội sinh viên Anh, cũng đề cập những lo ngại của sinh viên về thay đổi trong chính sách hỗ trợ tài chính, cũng như nền giáo dục mà họ nhận được khi nước này còn là thành viên EU.

Chất lượng giáo dục, nghiên cứu suy giảm

Anh vốn được coi là một trong những quốc gia hàng đầu về giáo dục và nghiên cứu nhờ việc thu hút nhân tài nước ngoài, đặc biệt từ các nước thành viên EU.

Vì thế, trước khi chính phủ tổ chức trưng cầu dân ý, lãnh đạo nhiều trường đại học bày tỏ lo ngại, Brexit sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đội ngũ chuyên gia, giảng viên của trường. Ví dụ, gần 25% nhân viên Đại học Kent đến từ các nước EU. Sau Brexit, trường sẽ phải đối mặt khủng hoảng nguồn nhân lực.

“Khi còn thuộc EU, Anh dễ dàng thu hút nhân tài từ các nước, giúp sinh viên nhận được giáo dục từ những chuyên gia hàng đầu. Lợi ích này sẽ giảm mạnh khi chúng ta rời khối”, Dame Julia Goodfellow, Phó hiệu trưởng Đại học Kent, cho biết.

Nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ lo ngại về việc hợp tác nghiên cứu trong thời gian tới.

Là thành viên EU, Anh dễ dàng tập hợp các nhà nghiên cứu trong khối, thực hiện những nghiên cứu khoa học, mang lại hiệu quả cao. Trên thực tế, từ năm 1981 đến năm 2014, tỷ lệ các nghiên cứu được tiến hành hoàn toàn bởi học giả người Anh giảm từ 84% xuống còn 48%.

Rời EU đồng nghĩa việc số lượng các dự án hợp tác nghiên cứu sẽ giảm, ảnh hưởng vai trò hàng đầu của Anh trong giới khoa học toàn cầu.

Julia Goodfellow, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học Anh, cho biết, kết quả cuộc trưng cầu dân ý gây ra cuộc khủng hoảng trong giáo dục bậc cao, đồng thời đặt ra thách thức cho lãnh đạo các trường trong việc giữ và thu hút nhân tài.

“Chúng tôi ưu tiên nhiệm vụ thuyết phục chính phủ đưa ra hành động nhằm đảm bảo các chuyên gia, sinh viên từ các nước EU tiếp tục ở lại Anh làm việc và học tập. Ngoài ra, chúng tôi cố gắng tạo điều kiện cho các nhà khoa học và sinh viên trong nước tiếp cận với các chương trình nghiên cứu, đào tạo của Liên minh châu Âu”, bà nói.

Nguy cơ thất nghiệp tăng

Catherine Barnard, giáo sư Đại học Cambridge, khẳng định, Brexit đồng nghĩa nguy cơ thất nghiệp tại Anh tăng. Bà ước tính, đến năm 2020, số lượng thất nghiệp sẽ tăng thêm 550.000 người.

Theo Steve Coulter, sau khi rời EU, kinh tế nước Anh sẽ chững lại trong thời gian ngắn, khoảng 50% công ty cắt giảm số lượng tuyển dụng. Điều này dẫn đến nhiều sinh viên sẽ không có việc làm sau khi ra trường.

Ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố, nhiều người trẻ đã bày tỏ sự tức giận, thất vọng trên mạng xã hội. Họ chỉ trích những người ủng hộ Brexit tước đoạt tương lai của mình.

“Tôi rất tức giận. Những người từng được hưởng mọi thứ, từ giáo dục miễn phí đến chế độ lương hưu tuyệt vời, lại bỏ phiếu để cướp đi cơ hội phát triển của thế hệ trẻ”, Adam Newman viết trên Twitter.

Chuyên gia kinh tế dự đoán, Anh đánh đổi khoảng 820.000 cơ hội việc làm khi quyết định rời EU. Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là những sinh viên đang chuẩn bị gia nhập thị trường lao động. Ít nhất, họ mất cơ hội sống và làm việc tại 27 quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu.

Khủng hoảng du học

Brexit ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội du học của sinh viên Anh và các nước khác thuộc EU.

Anh doi mat khung hoang du hoc neu roi EU hinh anh 2

Nhiều sinh viên các nước EU sẽ thay đổi quyết định du học Anh sau Brexit. Ảnh: iStock.

Khi Anh còn là thành viên Liên minh châu Âu, quy trình du học dễ dàng hơn. Hiện tại, hơn 200.000 sinh viên người Anh đang theo học tại các trường đại học ở 27 quốc gia khác theo chương trình học bổng Erasmus.

Nhiều người lo ngại, sau Brexit, họ không thể nhận lợi ích từ chương trình này.

“Tôi cảm thấy những người bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU đã cướp đi cơ hội du học theo diện Erasmus của mình. Thật thất vọng!”, Sophie Mitchell chia sẻ trên Twitter.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cũng khiến các trường Anh mất đi sức hút trong mắt sinh viên nước ngoài. Nguyên nhân chính nằm ở vấn đề học phí.

Khoảng 125.000 công dân EU đang theo học tại Anh. Họ đóng học phí tương tự sinh viên bản địa, 9.000 bảng/năm. Trong khi đó, sinh viên quốc tế phải đóng khoản phí lên đến 15.000 – 25.000 bảng/năm. Việc Anh thuộc Liên minh giúp du học sinh các nước EU khác tiết kiệm từ 18.000 bảng đến 48.000 bảng trong toàn khóa học.

Tuy nhiên, sau Brexit, ưu đãi  giáo dục này không còn. Nhiều người sẽ xem xét lại quyết định du học Anh.

Theo khảo sát của công ty Hobson's Solutions, 47% người được hỏi cho biết, họ sẽ không theo học tại nước này trong khi chỉ 17% khẳng định, Anh vẫn là nền giáo dục có sức hút dù nước này không còn thuộc EU.

Jeremy Cooper, Giám đốc điều hành của Hobson, khẳng định: “Brexit là thách thức lớn đối với giáo dục đại học ở Anh. Việc thu hút sinh viên quốc tế từ 27 thành viên khác sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”.

Du học sinh Việt Nam có lợi gì?

Theo TS. Lực, trong ngắn hạn, các đánh giá cho thấy Anh thiệt thòi hơn về vấn đề du học do sính bất ổn và mâu thuẫn về phe phái trong nội bộ. Bởi các tập đoàn lớn sẽ di chuyển, cơ sở sản xuất cắt giảm nhân lực, cơ hội việc làm ở Anh khá khó khăn. Vì thế, chắc chắn người dân chưa chọn quốc gia này để du học do tâm lý.

Trái ngược với quan điểm của TS Lực, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán SSI lại cho rằng, khi đồng Anh mất giá, nhiều người lại càng muốn cho con em mình đi học vì giá rẻ đi mà chất lượng giáo dục vẫn giữ nguyên. Đây là một trong những lợi ích về giáo dục khi Brexit.

Theo phân tích của ông Linh, khi Anh rời EU, quốc gia này sẽ giảm được 0,53% chi phí do không phải nuôi nước nghèo trong EU. Việc này dẫn đến việc giảm thiểu số lưọng người trong EU đến làm việc ở Anh, đồng nghĩa tăng khả năng việc làm cho chính người dân quốc gia này.

Chuyên gia lấy dẫn chứng về trường hợp của Singapore khi từng mở rộng cho người lao động tự do từ nhiều nước khác trên thế giới. Do sức ép từ phía người lao động tăng lên, Chính phủ nước này đã phải thay đổi để giữ việc làm cho người dân đảo quốc sư tử biển.

Đồng quan điểm trên, TS.Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, với sự mất giá của đồng bảng Anh, du học sinh Việt Nam sẽ có lợi.

"Anh là một nước có thể chế chính trị rất vững vàng. Bản thân du học sinh và phụ huynh cũng không quan tâm nhiều đến vấn đề chính trị. Do đó, cùng một số tiền sẽ làm được nhiều việc hơn sẽ rất lợi cho du học sinh Việt", chuyên gia Hiếu cho hay.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhắc đến một bất lợi khi nhiều khả năng du lịch quanh châu Âu sẽ không thuận lợi trong thời gian tới. Điều này sẽ khiến nhiều người có ý định du học Anh suy xét.

Brexit là gì?

Đây là từ ghép giữa “Britain” (nước Anh) và exit (thoát) để chỉ việc Anh rời khỏi EU.

Nó cũng tương tự như từ Grexit để nói tới việc Hy Lạp rời bỏ Khu vực đồng euro.

Vào ngày 23/6, tất cả công dân Anh từ 18 tuổi trở lên đều có thể tham gia trưng cầu. Công dân Anh ở nước ngoài đã đăng ký bỏ phiếu ở Anh trong ít nhất 15 năm gần đây cũng có quyền bỏ phiếu.

Những người đang sống ở Anh nhưng là công dân các nước thuộc khối Thịnh vượng chung gồm 53 nước, trong đó có Australia, Canada, Ấn Độ và Nam Phi, cũng được tham gia.

Họ sẽ trả lời câu hỏi "Anh nên ở lại hay rời khỏi EU?" được in trên mỗi lá phiếu. Các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở từ 6h ngày 23/6 và đóng vào lúc 21h cùng ngày.

Kết quả, 52% người tham gia bỏ phiếu ủng hộ Brexit. 

Viết Bình Luận (Cam kết thông tin được bảo mật)

Hotline

Tỷ giá
Tỷ giá

Nhận tin qua Email

Video du học

Visa mới nhất

Megastudy đã tư vấn thành công cho hàng nghìn visa cho các du học sinh đi học tại các nước nền giáo dục hàng đầu thế giới như: Anh, Úc, Mỹ, Canada, New Zealand, Thụy Sỹ, Singapore…

  • nguyen-v-a_du-lich-uc
    Nguyễn V.A_du lịch Úc
  • duong-h-l_visa-du-lich-my
    Duong H.L_visa du lịch Mỹ
  • t-p_visa-han-quoc
    T.P_visa Hàn Quốc
  • nguyen-v-h_visa-trung-quoc
    Nguyễn V.H_visa Trung Quốc