Nhóm 6 “siêu thương hiệu” vẫn giữ ưu thế rõ ràng, trong đó ĐH Harvard vẫn củng cố vị trí số 1 dựa trên danh tiếng và uy tín của mình.
Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ĐH Stanford, ĐH Cambridge, ĐH Oxford và ĐH California, Berkeley lần lượt nằm trong top 6. Tiếp sau đó là ĐH Princeton, ĐH Yale, Viện Công nghệ California (Caltech) và ĐH California, Los Angeles (UCLA).
ĐH Tokyo – ngôi trường duy nhất không tới từ Anh và Mỹ - năm ngoái nằm trong top 10 nhưng năm nay rớt xuống vị trí 11.
Nhìn chung, các trường đại học Mỹ đang xuất hiện dày hơn trong bảng xếp hạng, chiếm 46/100 trường trong top 100 (năm 2013 là 43 trường) – gấp hơn 4 lần so với Anh (10 trường).
Trong khi ĐH Stanford nhảy lên 3 bậc từ vị trí số 6 lên số 3 thì ĐH Oxford và ĐH Cambridge bị đẩy xuống 1 bậc. Năm nay, ĐH Bristol vẫn trụ lại trong top 100, theo sau là ĐH Sheffield và ĐH Leeds – những trường đã lần lượt rơi khỏi bảng xếp hạng năm 2012 và 2013. Điều này có nghĩa là hiện tại Anh có số lượng trường trong bảng xếp hạng ít hơn 2 trường so với năm 2011.
Xét về mặt quốc gia, sau Mỹ và Anh là Đức – quốc gia có 6 trường nằm trong top 100. Pháp mất 2 đại diện, chỉ còn lại 2 đại diện trong bảng xếp hạng. Hà Lan cũng tụt hạng khi ĐH Wageningen và Trung tâm nghiên cứu bị loại.
Câu chuyện thành công của năm ngoái – nước Úc vẫn giữ được 5 đại diện. Ở khu vực Đông Á, Nhật Bản vẫn là quốc gia mạnh nhất với 5 đại diện, trong khi Trung Quốc có ĐH Thanh Hoa trượt hạng 1 bậc xuống vị trí 36 nhưng ĐH Bắc Kinh nâng hạng 4 bậc lên vị trí 41.
(Theo Vietnamnet)