I. Quy định của chính phủ Malaysia với việc làm thêm của sinh viên quốc tế
1. Quy định chung
Sinh viên quốc tế được phép làm việc bán thời gian trong thời gian giữa các kỳ học, nghỉ lễ hoặc hơn 7 ngày của một kỳ nghỉ với thời gian tối đa là 20 giờ/tuần.
Sinh viên quốc tế được phép làm việc tại các nhà hàng, kiot xăng, các chợ nhỏ và khách sạn nhưng không được làm các vị trí công việc: thu ngân, ca sĩ, nhạc sĩ, nhân viên massage, nhân viên quan hệ khách hàng.
2. Những giấy tờ cần chuẩn bị
Tất cả sinh viên làm việc bán thời gian phải có Student Pass hợp lệ và phải nộp các giấy tờ sau:
- Bản sao hộ chiếu (các trang có chứa thông tin và các trang Student Pass hợp lệ)
- Địa chỉ, số điện thoại liên lạc và thư từ nhà tuyển dụng
- 120 RM ≈ 650.000 VNĐ (phí xử lý không hoàn lại)
- Đơn xin làm việc bán thời gian được đại diện trường gửi đến Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Malaysia
- Sinh viên được phỏng vấn, sau đó sẽ được chấp nhận hoặc từ chối
- Hộ chiếu của sinh viên có đơn đăng ký sẽ được phê duyệt
- Trường Đại học bắt buộc phải nộp báo cáo hàng quý cho Sở Di trú về tiến bộ học của sinh viên, việc gia hạn phê duyệt sẽ chỉ được thực hiện nếu sinh viên duy trì hồ sơ học tập tốt
II. Lợi ích và hạn chế của việc du học sinh đi làm thêm tại Malaysia
1. Lợi ích
- Có thêm thu nhập
Theo thống kê, mức chi phí cho du học Malaysia rất phải chăng, tuy nhiên, vẫn có nhiều sinh viên quan tâm đến vấn đề đi làm thêm. Làm thêm tại Malaysia là một cách hợp pháp để du học sinh có thêm một khoản thu nhập để sử dụng cho những mục đích cá nhân.
Hiện nay, mức thu nhập dành cho việc làm "part-time" ở Malaysia giao động từ 7-9 RM/giờ (≈ 38.000 - 50.000VNĐ/giờ). Sau khi làm một thời gian, các bạn có thể được trả lương theo tháng (tuỳ từng vị trí và đơn vị tuyển dụng mà lương tháng có thể giao động từ $300-500 USD). Mặc dù khoản thu nhập này không là khoản tiền quá lớn để bạn có thể chi trả cho học phí hay tiền nhà nhưng cũng là một nguồn thu đáng kể để bạn trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người.
- Trau dồi kỹ năng
Bên cạnh đó, khi làm thêm bạn sẽ được tiếp xúc với môi trường làm việc thực tiễn (có thể có hoặc không liên quan đến chuyên ngành học tùy sự lựa chọn của chọn). Nhờ vậy, bạn sẽ có kinh nghiệm về ngành, nghề của mình và cả những ngành, nghề khác ngay từ khi còn đang đi học. Đối với các bạn chọn những công việc làm thêm liên quan đến ngành học chính của mình, thì làm thêm được coi như đi thực tập sớm. Kinh nghiệm cũng là một trong những yếu tố để các nhà tuyển dụng lựa chọn bạn.
Khi đi làm thêm, bạn sẽ có cơ hội được nói chuyện, giao tiếp nhiều hơn với người bản ngữ. Từ đó, bạn có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ một cách nhanh chóng. Thêm vào đó, bạn cũng sẽ trau dồi được nhiều kỹ năng mềm hữu ích như kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, cân đối tài chính, …
- Mở rộng các mối quan hệ
Xây dựng được nhiều mối quan hệ tốt đẹp sẽ là một cách tốt hỗ trợ hữu ích cho công việc và cuộc sống của mỗi người. Khi bạn đi làm thêm đồng nghĩa với việc bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ, kết bạn với rất nhiều người, có thêm nhiều các mối quan hệ khác. Đó là những mối quan hệ trong thực tế, chắc chắn bạn sẽ học được những bài học mà ở trường bạn không hề được dạy. Các mối quan hệ mà bạn có trong quá trình làm thêm cũng có thể hữu ích về sau. Biết đâu, bạn sẽ gặp được một người bạn tri kỷ để có thể vơi bớt cảm giác cô đơn ở một đất nước xa lạ.
- Làm quen với môi trường sống
Bất kỳ ai khi chuyển đến sống ở một đất nước khác đều cảm thấy lạ lẫm, lạ lẫm về khí hậu, về phong tục tập quán, về văn hóa, về con người,... Vì vậy, đi làm thêm cũng là cách để bạn làm quen với môi trường sống mới một cách nhanh chóng hơn, dễ dàng vượt qua sự khác biệt văn hóa và hòa nhập tốt hơn. Có thể, bạn sẽ khám phá ra nét khác biệt rõ rệt và độc đáo trong văn hóa của Malaysia và cảm thấy yêu mến nơi đây nhiều hơn
2. Hạn chế
Tuy có rất nhiều lợi ích, nhưng việc đi làm thêm đối với du học sinh cũng có những hạn chế không thể phủ nhận.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe
Một số công việc làm thêm cần đến sức lực về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bạn. Nhiều khi, tiền lương các bạn kiếm được cũng không đủ để các bạn mua thuốc hay chi trả các khoản liên quan đến sức khỏe.
- Ảnh hưởng đến việc học tập
Rõ ràng, đối với các bạn du học sinh, việc học vẫn cần ưu tiên hàng đầu. Việc quá mải mê đi làm thêm kiếm tiền sẽ khiến các bạn có ít thời gian dành cho việc học tập. Vì vậy, có thể dẫn đến việc kết quả học tập sa sút, mất kiểm soát.
>>> Du học sinh làm thêm tại Malaysia – Nên hay không nên?
3. Một số lời khuyên về việc tìm việc làm thêm cho du học sinh tại Malaysia
- Không nên quá vội vã tìm việc làm thêm: tốt nhất bạn hãy dành ra ít nhất 1-2 học kỳ đầu tiên cho việc làm quen với môi trường mới và cân đối khối lượng bài vở trước khi cân nhắc đến việc đi làm thêm.
- Luôn ưu tiên việc học tập: hãy luôn luôn ghi nhớ rằng bạn đi du học để học chứ không để kiếm tiền. Trước khi nghĩ đến việc kiếm tiền, hãy hoàn thành việc học trước
- Lựa chọn việc làm thêm kỹ lưỡng: bạn nên lựa chọn việc làm thêm dựa trên các tiêu chí phù hợp với bản thân như giờ giấc, ngành nghề, địa điểm, môi trường làm việc,... Bạn có thể tìm thêm thông tin trên Internet hoặc hỏi những người đã từng có kinh nghiệm
- Cân đối thời gian: cân nhắc để sắp xếp thời gian cân đối giữa việc học và công việc làm thêm để tránh ảnh hưởng tối đa đến việc học.
- Tuân thủ mọi quy định: như đã nói ở trên, chính phủ Malaysia có những quy định riêng về việc làm thêm đối với du học sinh. Bạn hãy tuyệt đối tuân thủ để tránh những hậu quả đáng tiếc nhé
III. Một số công việc làm thêm du học sinh nên chọn tại Malaysia
- Gia sư:
Công việc gia sư được rất nhiều bạn du học sinh lựa chọn vì nhiều lý do. Thứ nhất, công việc nhẹ nhàng nhưng bạn có thể nhận được mức lương cao hơn so với hầu hết các công việc bán thời gian khác tại Malaysia. Ví dụ, công việc nhân viên phục vụ tại Starbucks chỉ kiếm được khoảng 5RM/giờ trong khi 1 gia sư có thể kiếm được 40RM/giờ, gấp 8 lần.
Trung bình, bạn có thể kiếm được 480RM (≈ 2.600.000 VNĐ) mỗi tháng bằng cách dạy một học sinh tiểu học trong 2 giờ/ngày, 6 ngày/tuần. Và, đây chỉ là mức trung bình, bạn có thể kiếm được nhiều hơn nếu tăng thời gian và dạy học sinh ở cấp cao hơn. Là một gia sư, bạn cũng có thể sắp xếp thời gian linh hoạt phù hợp với lịch học của mình và thời gian rảnh của người học.
- Nhân viên sự kiện:
Nếu bạn chỉ có thể đi làm thêm vào cuối tuần thì nhân viên sự kiện là một lựa chọn phù hợp. Ưu điểm của công việc này là bạn không cần quá nhiều kinh nghiệm hoặc kỹ năng. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi thời gian dài và sự tập trung cao độ. Khoản tiền lương bạn kiếm được cũng đáng kể và ở một số sự kiện, bạn có thể cùng tận hưởng sự kiện mà mình phục vụ.
- Dịch vụ ăn uống:
Làm việc trong một nhà hàng ở gần khuôn viên trường đại học là công việc bán thời gian phổ biến cho sinh viên. Các công việc này thường làm theo ca. Bạn sẽ được thưởng thức một số món ăn đặc trưng và học được cách chế biến của Malaysia. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ gặp một vài trường hợp khó như việc gặp các vị khách khó tính chẳng hạn.
- Freelancer
Một freelancer chuyên nghiệp là một ông chủ của chính mình. Bạn được tận hưởng cả mức thu nhập tốt và tính linh hoạt về thời gian. Một số công việc freelance được trả lương cao nhất là hỗ trợ kỹ thuật, marketing, sáng tạo nội dung và hỗ trợ khách hàng. Tiền lương thường dựa theo chất lượng, số lượng và khả năng hoàn tất công việc đúng hạn.
- Bán hàng:
Nếu kỹ năng thuyết phục của bạn tốt, bạn nên thử trải nghiệm một công việc về marketing, bán hàng. Nhiều công ty tìm kiếm nhân viên bán hàng trực tuyến để bán các sản phẩm của họ trên các nền tảng thương mại điện tử như e-bay, bạn sẽ nhận được hoa hồng từ mỗi lần bán hàng, doanh thu cao hơn sẽ giúp bạn có thêm thu nhập.
- Nhiếp ảnh gia:
Nếu bạn có đam mê và một chút năng khiếu về nhiếp ảnh thì công việc trợ lý cho một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp địa phương sẽ rất phù hợp. Bạn sẽ có thể được yêu cầu làm việc tại các sự kiện vào buổi tối hoặc cuối tuần. Bạn cũng có thể bán hình ảnh của mình cho các trang web như Fotolia, SmugMug Pro, iStockPhoto và Shutterstock. Nhiều trang web có thể trả cho bạn tối đa 100 USD cho mỗi hình ảnh dựa trên các điều khoản và điều kiện của họ. Bạn vừa có thể thỏa mãn đam mê, vừa có thêm thu nhập. Thật tốt đúng không?
- Nhân viên cửa hàng bán lẻ:
Các cửa hàng bán lẻ luôn chào đón sinh viên đến làm thêm. Có rất nhiều công việc bạn có thể làm tại đây như đóng gói, sắp xếp hàng hóa, lau dọn… Nhiều cửa hàng ở Malaysia cung cấp các đặc quyền cho sinh viên quốc tế làm thêm tại cửa hàng của mình như các chính sách giảm giá đặc biệt và cho phép bạn sắp xếp thời gian làm việc linh hoạt dựa theo lịch học của bạn. Do đó, đây cũng là một lựa chọn rất đáng cân nhắc.