Mỹ
Khi du học Mỹ, nếu bạn được cấp visa F-1, một dạng visa dành cho sinh viên quốc tế theo học toàn thời gian các chương trình ngôn ngữ, các trường cấp 3, đại học, học viện,…tại Mỹ, bạn sẽ được phép làm thêm 20 giờ/tuần trong cả kì học và 40 giờ/tuần vào các kì nghỉ. Tuy nhiên bạn chỉ được làm thêm trong trường chứ không được phép làm các công việc ở ngoài. Bạn cũng có quyền làm thêm cho các tổ chức cung cấp dịch vụ trong trường bạn, ví dụ như căn tin hoặc dịch vụ thư viện.
Nếu muốn làm thêm ở ngoài, bạn sẽ phải xin phép Sở di trú Mỹ với điều kiện bạn đã có 1 năm học tại Mỹ và làm các công việc liên quan đến chuyên ngành mà mình đang theo học hoặc đi thực tập.
Anh
Nếu bạn đang có ý định kiếm việc làm thêm khi đi du học Anh thì bạn nên lưu ý rằng bạn chỉ có thể làm việc khi được cấp visa bậc 4. Đây là loại visa chỉ được cấp cho sinh viên quốc tế du học tại Anh trong thời gian 6 tháng hoặc lâu hơn. Giấy phép làm việc (Work Permit) tại Anh có được cấp hay không tùy thuộc vào chuyên ngành và trường mà bạn theo học. Bạn sẽ nhận được giấy phép trường hoặc chuyên ngành đó được chính phủ hay một tổ chức có quyền hạn đào tạo bằng cấp giáo dục cao hơn tài trợ.
Bạn có thể làm thêm tối đa từ 10 – 20 giờ/tuần trong suốt quá trình học, tùy thuộc vào chương trình học của bạn. Vào kì nghỉ thì bạn có thể làm thêm 40 giờ/tuần.
Canada
Khác với Mỹ, khi du học Canada, bạn có thể làm việc trong hoặc ngoài khuôn viên trường học với điều kiện bạn là sinh viên toàn thời gian của trường cao đẳng hoặc đại học công hoặc một trường tư nhưng nhận ít nhất 50% hỗ trợ từ chính phủ hay một trường công có thẩm quyền đào tạo.
Tại Canada, sinh viên không bị giới hạn thời gian làm thêm khi làm việc trong khuôn viên trường. Nếu muốn làm việc ngoài, bạn sẽ phải xin giấy phép từ chính quyền địa phương và sẽ chỉ được làm tối đa 20 giờ/tuần trong thời gian học và 40 giờ/tuần trong kì nghỉ.
Úc
Nếu du học Úc, visa cấp cho sinh viên sẽ cho phép bạn làm thêm 40 giờ/2 tuần trong suốt quá trình học và toàn thời gian trong kì nghỉ.
Khi tìm việc làm thêm tại Úc, người chủ và bạn sẽ thỏa thuận để đưa ra mức lương tối thiểu cho mỗi giờ làm việc. Tại Úc thì mức lương này được quy định bởi chính phủ. Bởi vậy, tùy vào khu vực bạn làm việc thì bạn nên nghiên cứu kĩ về mức lương mà mình được nhận.
Pháp
Là du học sinh tại Pháp, bạn được quyền làm việc cả trong và ngoài khuôn viên trường nếu bạn có thẻ cư trú và bạn đang theo học tại trường giúp bạn nằm trong hệ thống An sinh xã hội tại Pháp.
Tại đất nước hoa lệ này, bạn có thể làm thêm 964 giờ/năm. Trong thời gian học thì bạn chỉ có thể làm bán thời gian, còn trong kì nghỉ thì bạn có thể làm toàn thời gian mà không việc quá số giờ cho phép.
Mức lương tối thiểu khi làm thêm tại Pháp là 9,4 euro/giờ, tuy nhiên bạn sẽ phải đóng thuê 20% số lương của bạn.
Đức
Tại xứ sở bia, bạn có thể làm thêm 120 ngày mỗi năm nếu làm việc toàn thời gian và 240 ngày mỗi năm nếu làm việc bán thời gian. Mặc dù mức lương tối thiểu mỗi giờ không được quy định, thường thì bạn sẽ nhận được từ 6 – 10 euro/giờ.
Trong trường hợp muốn thêm giờ làm việc, bạn phải trao đổi với Cơ quan lao động liên bang của tiểu bang nơi bạn theo học cũng như các cơ quan di trú.
Nếu làm việc cho trường mà bạn theo học thì bạn sẽ được làm vượt quá số ngày quy định, nhưng bạn phải xin phép chính quyền địa phương.
Trong trường hợp bạn theo học khóa học tiếng tại Đức thì bạn chỉ được phép làm trong kì nghỉ mà thôi.
Tây Ban Nha
Khi du học Tây Ban Nha, sinh viên quốc tế có thể xin giấy phép làm việc tại chính quyền địa phương với tối đa 20 giờ/tuần. Bạn có thể làm việc tại những công ty đã kí hợp đồng làm việc bán thời gian với bạn và giấy phép làm việc có thời hạn bằng với thời hạn kí hợp đồng và trong thời hạn cho phép của visa.
Tốt nhất là bạn nên chọn những công việc có liên quan đến chuyên ngành mà mình theo học bởi bạn chỉ có thể làm toàn thời gian trong 3 tháng nghỉ lễ mà thôi.
New Zealand
Sinh viên quốc tế du học New Zealand được phép làm thêm tối đa 20h/tuần trong thời gian học và toàn thời gian trong kì nghỉ với rất nhiều công việc đa dạng trong các quán bar, nhà hàng, quán café hoặc một vài công việc liên quan đến chuyên môn với mức thu nhập trung bình khoảng 13 – 14$/h. Mức thu nhập này cũng có thể cao hơn khi bạn có trình độ chuyên môn phù hợp hoặc đạt được thỏa thuận với người quản lí. Bên cạnh đó với đặc thù nông nghiệp trồng trọt, du học sinh có thể lựa chọn tới các nông trại đang cần nhân lực trong kì nghỉ giữa kì học để xin làm các công việc như thu hoạch trái cây với mức lương không tệ.
Các website tìm việc tại New Zealand:
www.finada.co.nz/classifieds/job/
Singapore
Singapore là quốc gia có những quy định rất chặt chẽ về việc làm thêm. Theo đó, sinh viên du học Singapore không được làm thêm tại bất cứ ngành nghề nào, lĩnh vực nào, bất kể làm thêm không lương hay có lương. Tuy nhiên, nếu được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh chấp nhận bằng văn bản thì sinh viên vẫn có thể làm thêm. Mọi trường hợp làm trái quy định đều bị xử lý bằng pháp luật.
Hiện nay, có 2 trường hợp sinh viên quốc tế du học tại Singapore được phép làm thêm:
Trường hợp 1: Làm thêm toàn thời gian trong kỳ nghỉ hè
Điều kiện cần của trường hợp này là: Bạn phải trên 14 tuổi và là sinh viên của một trong số 45 trường theo quy định của Singapore.
Trường hợp 2: Làm thêm bán thời gian (tối đa 16 giờ/tuần)
Điều kiện cần của trường hợp này là: Bạn phải trên 16 tuổi và là sinh viên hệ chính quy tập trung thuộc các khóa Cao đẳng/Đại học của 22 trường theo quy định của Singapore.
Điều kiện đủ của cả hai trường hợp này là: Sinh viên phải có giấy chấp thuận của Văn phòng sinh viên tại trường mà sinh viên đang theo học.
Làm thêm đối với nhiều bạn du học sinh là một trong những cách để giảm thiểu chi phí khi du học đồng thời cũng là cơ hội để các bạn có thêm kinh nghiệm làm việc, cải thiện khả năng ngoại ngữ và hòa nhập với văn hóa bản địa. Tuy nhiên dù du học ở nước nào và làm thêm công việc gì thì bạn cũng cần nắm rõ những yêu cầu, quy định của chính phủ các nước về việc làm thêm cho du học sinh về thời lượng làm việc, giấy phép làm thêm… Tuyệt đối không làm quá thời gian quy định, làm những công việc phi pháp hoặc vì mải mê làm thêm mà xao nhãng mục đích học tập.