Quả thực, không phải ai cũng có thể có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình giữa cuộc sống đầy bộn bề lo toan. Đối với nhiều du học sinh, một cái Tết Việt Nam giản dị đúng nghĩa lại là điều thật xa vời. Vì cách trở địa lý, vì việc học dang dở, vì mưu sinh mà nhiều người không thể về quê ăn Tết, thậm chí 5-6 năm mới được về một lần. Thiếu thốn tình cảm gia đình, thiếu không khí Tết thực sự với thịt mỡ, dưa hành, những lời chúc năm mới khiến họ không thể tránh khỏi cảm giác chạnh lòng, tủi thân.
Những ngày tết đang gần kề, hơn lúc nào hết, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương lại càng trở nên da diết đối với các du học sinh. Hãy lắng nghe những tâm sự của họ về ngày Tết Việt Nam.
Nguyễn Khánh Ngọc – du học sinh tại Đức cho biết đón Tết ở nước ngoài thực sự không có không khí như khi ở Việt Nam. Ngọc luôn hy vọng năm nào đó sẽ có điều kiện về Việt Nam ăn Tết. “Mình nhớ mọi thứ liên quan đến Tết Việt Nam. Nhớ những hàng đào quất trải dài phố phường, nhớ đêm giao thừa dắt nhau ra ven hồ chờ xem pháo hoa nổ lộp bộp, nhớ mâm cơm tất niên và bánh chưng, đặc biệt nhớ những phong bao lì xì đỏ nữa.”
Ngọc tâm sự rằng gia đình luôn là điểm tựa và động lực để cô vượt qua những vất vả khi một mình nơi xứ người. “Dù có buồn và thủi thân , nhưng mình cũng phải tự an ủi rằng vì lệch múi giờ nên sẽ được đón giao thừa hai lần, đón giao thừa với các bạn ở Việt Nam qua mạng rồi lại đón giao thừa cùng mấy bạn ở đây”.
Phương Thảo: Giao thừa vẫn phải đi làm thêm
Gần 2 năm xa nhà, Đinh Phương Thảo – Du học sinh tại Anh đã trải qua 1 cái Tết đầy nỗi nhớ nhà ở xứ người. Thảo cho biết ở London chỉ có các bạn Trung Quốc là tổ chức Tết âm lịch khá lớn, có múa lân và bắn phảo hoa tại Chinatown.
Giao thừa năm ngoái, Thảo đã từng khóc rất nhiều vì nhớ mẹ, nhớ gia đình.
“Cảm xúc duy nhất khi một mình đón Tết là nhớ gia đình. Giao thừa năm ngoái mình ở bên này vẫn phải đi làm. Khi gọi cho mẹ, mẹ đã khóc rất nhiều vì thương con gái làm mình cũng khóc theo. Lúc ấy là Giao thừa ở Việt Nam nhưng ở Anh mới là 5h chiều. Mình sau một hồi khóc thì quay ra “bắt” các bạn làm cùng nói Happy New Year dù các bạn ý không hiểu gì và có lẽ thấy mình hơi ngớ ngẩn.”
Thảo cũng chia sẻ Tết đến rất nhớ mâm cỗ quê nhà vì đồ ăn ở Anh không ngon và khá đắt đỏ nên mâm cỗ Tết không trọn vẹn và không giống hương vị ở Việt Nam.
Hoài Nam: Tết là khoảng thời gian nhớ nhà nhất trong năm
Đây là là năm thứ hai Dương Hoài Nam – du học sinh tại Nhật Bản đón Tết xa nhà. Theo Nam, Nhật Bản không đón Tết âm lịch nên đối với du học sinh, Tết là khoảng thời gian nhớ nhà nhất trong năm. Ở thành phố Nam đang sống có khá ít du học sinh Việt Nam nên không có hội người Việt Nam để cùng tổ chức đón Tết. Đêm Giao thừa, Nam và vài người bạn chỉ mua đồ về cùng nấu nướng, đón năm mới cùng nhau. Tuy nhiên, Nam chia sẻ rằng năm nay do ngày Tết vào đúng tuần lễ thi nên mọi người khá bận chắc có lẽ sẽ tất niên nhỏ hơn năm ngoái.
“Điều nhớ nhất ở Việt Nam dịp Tết chắc có lẽ là ngày 30 dọn dẹp nhà cửa, rồi cùng bố thịt gà để ông cúng tất niên. Còn kỷ niệm nhớ nhất chắc là 2 năm liền mình bị thủng lốp xe ngay đêm Giao thừa. Sáng hôm sau bố mình hỏi là sao xe hỏng thì coi như mình không liên quan đến cái xe đó”.
Linh Trang: 365 ngày, ngày nào cũng đầy ắp nỗi nhớ nhà
Phạm Thị Linh Trang – Du học sinh tại New Zeland chia sẻ cô rất vui và háo hức vì được đón Tết ở Việt Nam sau quãng thời gian xa nhà.
Trang tâm sự: “Năm nay mình may mắn được về Việt Nam ăn Tết cùng bố mẹ. Không chỉ riêng Tết mà đối với mình, suốt 365 ngày, ngày nào cũng đầy ắp nỗi nhớ nhà. Với những du học sinh như mình thì thật sự những ngày này rất buồn và tủi thân, nhớ bố mẹ, nhớ gia đình. Những lúc như vậy thì cũng chỉ còn biết cố gắng học tập, làm việc để xua đi phần nào sự nhớ nhung đó”.
Nguồn: Báo Gia đình & Pháp luật