1. Kỹ năng kết nối và xây dựng
Một trong những kỹ năng quan trọng và cần thiết đối với một người lãnh đạo, quản lý trong ngành nhà hàng khách sạn là có thể xây dựng kết nối hiệu quả. Đó là kết nối và xây dựng nhóm khách hàng trung thành – những người quan tâm đến việc trở lại khách sạn/nhà hàng/tour du lịch. Kỹ năng này về lâu dài sẽ nâng cao sự nghiệp của bất cứ ai.
Vì là ngành dịch vụ nhà hàng khách sạn nên việc gặp gỡ, tương tác với khách hàng là điều hiển nhiên, việc phối hợp nhịp nhàng giữa các cá nhân, giữa các nhóm là rất quan trọng. Để trở thành một người quản lý tốt đòi hỏi bạn phải nắm vững yếu tố tâm lý học, biết cách xử lý xung đột ở nơi làm việc, hóa giải căng thẳng dù là với khách hàng hay với những nhân sự khác. Biết cách xây dựng môi trường hợp tác, cởi mở sẽ giúp nâng cao tinh thần, trách nhiệm và hiệu quả làm việc.
2. Kiến thức vận hành khách sạn, nhà hàng
Trách nhiệm hàng ngày của các nhà quản lý đòi hỏi một nền tảng cơ bản về kiến thức vận hành nhà hàng khách sạn. Hầu hết các nhà quản lý đã đạt được kiến thức này thông qua việc đảm nhận những vị trí đầu tiên, cơ bản nhất khi gia nhập ngành hoặc trong quá trình hoàn thành một văn bằng giáo dục. Nếu không có sự hiểu biết cơ bản về các lĩnh vực như kế toán, quản lý nhân lực hoặc kiểm soát chi phí, các nhà quản lý sẽ không có khả năng đưa ra những quyết định cần thiết hàng ngày hay đề ra những chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
3. Kỹ năng giao tiếp
Đọc, viết, nói và nói chuyện rõ ràng đều là những kỹ năng cần thiết trong công việc này. Để hiểu rõ những quy định an toàn, viết biên bản thương mại thường niên, người quản lý cần có kỹ năng đọc hiểu tốt. Ngoài ra, với nhiệm vụ viết các báo cáo cho công ty, thư tín trong kinh doanh, tổng hợp các biện pháp giải quyết vấn đề, người quản lý còn cần phải có ngữ pháp vững chắc cũng như phong cách sử dụng ngôn ngữ của riêng mình bởi vì bạn có thể phải trình bày trước nhiều đại diện cấp cao khác, hay khách hàng, hoặc dùng trong tuyển dụng nhân viên. Vì thế, phát biểu tốt trước công chúng là điều hoàn toàn cần thiết.
4. Kỹ năng tổ chức, quản lý tài chính
Làm giám đốc điều hành hay quản lý của một khách sạn cũng giống như bạn đang đội một lúc nhiều cái mũ trên đầu vậy, nói cách khác là bạn phải đảm nhận và giải quyết nhiều việc cùng một lúc. Bạn sẽ phải tiếp khách, giữ mối quan hệ đối tác, quản lý những vấn đề quan trọng của bộ phận tiền sảnh, buồng phòng, an ninh, tài chính và phát triển nhân viên. Nhà quản lý đó còn phải theo dõi sát sao những đánh giá nhân viên từ việc kiểm tra và tổ chức vấn đề thực phẩm, đồ uống cho một hội nghị tổ chức tại khách sạn. Trong lúc giải quyết những vấn đề đó, bạn cũng sẽ phải tổ chức là duy trì những dự án, lịch hẹn… Nhà tổ chức có vai trò đặc biệt quan trọng trong những khách sạn lớn – nơi có nhiều hoạt động phức tạp hơn.
Trong khi phần lớn nhiệm vụ quản lý khách sạn xoay quanh dịch vụ khách hàng, có một số nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng quản lý tài chính bởi kết quả kinh doanh của khách sạn chính là trách nhiệm của người làm quản lý. Người quản lý khách sạn phải có khả năng đọc báo cáo tài chính, hiểu các khái niệm tài chính cơ bản và phân tích dữ liệu tài chính. Bạn sẽ phải thiết lập mức giá phòng dựa trên ngân sách, các tài khoản, chi phí đã được phê duyệt và xác nhận lại kinh phí với các bộ phận khác, quản lý doanh thu và tài khoản phải trả, phải thu. Ngoài ra, bạn cũng phải theo dõi lợi nhuận định kỳ của khách sạn để có chiến lược kinh doanh phù hợp.
5. Linh hoạt
So với các ngành nghề khác, công việc khách sạn nhà hàng, du lịch – lữ hành thường yêu cầu nhân viên có thể làm thêm giờ, tăng ca. Bạn cần phải có khả năng chuyển đổi nhanh chóng từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác vì bất kỳ tình huống có thể xảy ra. Do đó, tính linh hoạt là một thuộc tính thiết yếu để thành công trong lĩnh vực này.
Quản lý nhà hàng khách sạn thường liên quan đến những vấn đề không lường trước và những sự cố không mong muốn phát sinh vào những thời điểm không thuận lợi nhất. Tính linh hoạt và khả năng thích ứng là những kỹ năng cần thiết giúp các nhà quản lý đưa ra quyết định sáng suốt và hợp lý. Mặt khác, không phải bất cứ lúc nào bạn cũng có một kế hoạch dự phòng cũng như không thể lường trước được các vấn đề đột xuất xảy ra, vì vậy, khả năng nắm bắt tình hình, ứng biến nhanh nhẹn, thông minh sẽ giúp bạn có thể giải quyết vấn đề ngay lập tức.
6. Quản lý trải nghiệm khách hàng
Một doanh nghiệp nhà hàng khách sạn phát triển nhờ vào khách hàng. Do đó, việc mang đến những dịch vụ tốt nhất để làm hài lòng các “thượng đế” chính là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp. Để mang đến những dịch vụ tốt nhất, xây dựng được nhóm khách hàng trung thành đòi hỏi người quản lý phải thấu hiểu nhu cầu lẫn trải nghiệm của khách hàng. Điều này có thể thể hiện qua việc bạn chú ý đến những trang trí chi tiết trong sảnh khách sạn, tiếp nhận và xử lý khiếu nại của khách hàng… Đây là một trong những kỹ năng quan trọng đối với người quản lý nhà hàng khách sạn ngày nay.
Theo một công bố của Corra, đối với những trải nghiệm tiêu cực sẽ mang đến hệ quả khá lớn khi 52% khách hàng sẽ đánh giá không tốt trên các phương tiện truyền thông xã hội. Nielsen cho biết, 92% khách hàng sẽ tin lời giới thiệu của bạn bè, gia đình hơn là quảng cáo. Vì vậy, việc truyền miệng tích cực là rất quan trọng để một doanh nghiệp thành công.
7. Nhận thức về văn hóa
Các doanh nghiệp khách sạn luôn phải đón khách du lịch đến từ những quốc gia, nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Khả năng nhận thức văn hóa, nắm bắt chuẩn mực văn hóa của mình và những nước khác là rất quan trọng bởi mỗi đối tượng khách hàng sẽ có giá trị, hệ thống niềm tin và nhận thức khác nhau, vì vậy, doanh nghiệp phải biết cách thoát ra khỏi những rào cản văn hóa, giúp khách hàng thấy thoải mái với dịch vụ, không gian bạn mang đến. Mục tiêu là thỏa mãn nhu cầu, mang đến sự hài lòng để họ tiếp tục sử dụng dịch vụ cũng như giới thiệu cho những người khác.
Nguồn: Sưu tầm, tổng hợp
>> Du học ngành quản trị du lịch khách sạn nên chọn quốc gia nào?
>> Du học ngành Du lịch – khách sạn: Nên chọn Úc, New Zealand hay Thụy Sĩ?