Bà cho rằng mặc dù cuộc viếng thăm của bà hay của quan chức cấp cao khác của Mỹ tới Việt Nam thường có sức hút nhưng điều quan trọng trong cuộc sống là những kết nối thường nhật. Và chương trình học bổng Fulbright đã góp phần thực hiện được điều quan trọng đó, khi tạo cơ hội để nhiều người Việt Nam và người Mỹ hiểu nhau hơn, có cơ hội học tập cùng nhau, làm việc cùng nhau và thậm chí là sống cùng nhau, để từ đó tạo ra những liên kết, đưa họ tới gần nhau hơn, phá vỡ được rào cản bất đồng, hiểu lầm và ngờ vực qua con đường học tập, nghiên cứu, đúng như mong muốn của thượng nghị sỹ Fulbright, người sáng lập Chương trình học bổng Fulbright.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nhắn nhủ tới các cựu sinh viên của chương trình học bổng Fulbright và sinh viên của Đại học Ngoại thương rằng “tài năng là toàn cầu, nhưng cơ hội thì không”. “Ở khắp Việt Nam, và trên khắp thế giới, có rất nhiều người tài giỏi, làm việc hết mình, nhưng có thể không có cơ hội như một số các bạn đã có. Vì vậy nhiệm vụ của tất cả chúng ta là giữ cho cánh cửa cơ hội đó được mở, bởi bước qua cánh cửa đó có thể là một người trẻ, sau này trở thành nhà nghiên cứu y khoa, tìm ra cách chữa một loại bệnh hiểm nghèo, trở thành một doanh nhân, tạo ra sản phẩm Việt Nam xuất khẩu khắp thế giới và vì thế tạo ra hàng ngàn việc, hay trở thành giáo sư giảng dạy, tạo ra những thế hệ đóng góp tiếp theo”, bà cho biết.
Qua các chương trình trao đổi giáo dục Việt-Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết bà rất ấn tượng với sinh viên Việt Nam bởi kết quả học tập, sự nhiệt huyết và đặc biệt là điều mà bà đã nhắn nhủ về “giữ cánh cửa cơ hội được mở”. Ngoại trưởng Clinton đã nhắc tới hai trường hợp cụ thể. Đó là Đỗ Minh Thùy, người theo học ngành báo chí tại Đại học Indiana theo chương trình học bổng Fulbright. Với sự giúp đỡ của một số bạn bè ởIndiana, sau khi hoàn thành khóa học, Thùy đã đứng ra lập chương trình đào tạo và hướng dẫn cho các phóng viên trẻ. Và hiện tại nhóm của Thùy đã kết nối được hơn 2.300 thành viên tham gia chương trình tại Hà Nội và TP HCM.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Clinton còn ấn tượng với nữ cựu học viên Đàm Bích Thủy, tốt nghiệp trường kinh doanh Wharton tại đại học Pennsylvania và hiện là một trong những phụ nữ nổi bật nhất trong ngành tài chính ở Đông Nam Á. Cô hiện là phó chủ tịch ngân hàng ANZ, lãnh đạo hơn 10.000 nhân viên.
Là một ngoại trưởng, nhưng bà Clinton lại rất quan tâm và coi trọng tới giáo dục khi cho rằng trong một thế giới thay đổi liên tục và khó đoán, đầu tư vào giáo dục là tấm hộ chiếu để tới một tương lai tốt đẹp và chính sách bảo hiểm tốt nhất là giáo dục tốt.
Kết thúc cuộc trò chuyện với sinh viên tại trường Đại học Ngoại thương, bà Clinton đã bày tỏ một trong những mong muốn giản dị mà thiết thực của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ: mong các bạn sinh viên từng theo học ở Mỹ vẫn giữ liên lạc với những người đã từng gặp, từng học, từng làm việc cùng tại Mỹ, để góp phần vào điều mà bà cho là quan trọng, đó là “sự kết nối thường nhật” giữa người Mỹ và người Việt Nam, để góp phần củng cố cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, để “phá vỡ những bức tường của bất đồng và ngờ vực”.