Làm thêm để có kinh nghiệm chuyên sâu theo phân ngành đang học, kiếm tiền trang trải cuộc sống và chi phí đi học, rèn luyện mình năng động hơn, làm quen với khả năng giao tiếp…
Cũng như nhiều sinh viên khác sống xa nhà, tôi cũng chạy tìm cho mình một công việc làm thêm để học cách tự lập, cách tự lo cho cuộc sống và học cách phục vụ người khác. Có nhiều đầu mối tìm việc, tìm qua báo chí, qua thông báo tại góc sinh viên của trường đại học hay qua lời giới thiệu của bạn bè.
Sống tại Thụy Sĩ gần ba năm, thời gian đủ dài để tôi trải nghiệm công việc làm thêm ở những lĩnh vực khác nhau. Có lúc tôi là người dọn dẹp vệ sinh trong một khách sạn nhỏ 14 phòng; có lúc tôi lại là người chạy bàn cho quán cà phê.
Công việc tốt nhất tôi tìm được gần đây là làm trong một hãng dịch vụ hàng hóa. Nói thật, tôi cũng không biết gọi tên công việc mình làm là gì. Tôi vừa là người gói quà của các siêu thị rồi gửi đến địa chỉ khách hàng, vừa là người phân loại thư từ theo các dạng: 1. Đã chuyển nhà; 2. Đã chết; 3. Không tồn tại; 4. Địa chỉ thiếu.
Gần đây nhất, qua lời giới thiệu của một người bạn, tôi đi thử việc tại một nhà hàng Trung Quốc ở thành phố Fribourg. Tôi bắt đầu công việc từ 11 giờ trưa đến 6 giờ 15 tối. Trong bảy tiếng làm việc chỉ nghỉ 15 phút. Mỗi ca trực thường chỉ có một, hai nhân viên chạy bàn làm cả hai việc: phục vụ khách ăn tại chỗ và người mua mang đi.
Cuối ngày, đến khi bà chủ đưa tiền lương, tôi rơi vào trạng thái dở khóc dở cười. Số tiền chỉ bằng 1/3 so với tiền lương trả ở những nơi khác với lý do rất đơn giản: Đây là ngày đầu tiên thử việc. Mồ hôi của cả một ngày chỉ đủ tiền cho hai bữa ăn và hai ly cà phê!
Tôi đã từng nghe bạn bè và người thân lên án rất nhiều về cách trả lương của các nhà hàng châu Á, đặc biệt là nhà hàng Trung Quốc. Mức lương cắt cổ nhưng sinh viên Việt Nam đồng ý làm chỉ vì quá cần tiền. Khi không thể tìm được công việc nào tốt hơn thì phải nhắm mắt chấp nhận, đó là tình trạng chung của sinh viên ta. Trong 10 sinh viên đi làm thêm thì hết tám người làm việc cho nhà hàng Trung Quốc.
Một số bạn may mắn hơn tìm được công việc tại các tiệm kem lớn, nhà hàng hoặc khách sạn. Ở đó, mức lương trả hợp lý, môi trường làm việc tốt, sạch sẽ và thoải mái hơn, hết giờ làm là có thể ra về, không có tình trạng lợi dụng và bóc lột sức lao động như các nhà hàng Trung Quốc.
Thụy Sĩ đã ban hành luật mới dành cho sinh viên làm thêm: 1. Sinh viên chỉ có thể làm việc 20-25 giờ mỗi tuần; 2. Cấm các hình thức công việc đen; 3. Phải thông báo tình hình sinh viên làm thêm cho cơ quan kiểm soát. Sinh viên làm thêm vẫn phải đóng thuế và có bảo hiểm y tế.
Có thể bình luận ba quy định nêu trên như thế này: Điểm đầu tiên quá tốt, đưa ra nhận thức rõ ràng cho sinh viên về việc học. Sinh viên làm thêm quá nhiều thường không có kết quả học tập tốt.
Công việc đen nghĩa là công việc trốn thuế, một hình thức rất phổ biến tại các nhà hàng châu Á nhằm tăng thêm thu nhập cho ông chủ, bà chủ. Đây cũng là lý do quá ư hợp lý để các ông bà chủ o ép lương của sinh viên làm thêm.
Quy định thứ ba, đóng thuế và có bảo hiểm y tế cho sinh viên là rất cần thiết. Như vậy sinh viên làm thêm mới có nghĩa vụ và quyền lợi ngang với người Thụy Sĩ. Đóng thuế theo tỷ lệ phần trăm tiền lương nhất định và hưởng bảo hiểm trong trường hợp gặp tai nạn khi làm việc. Hai phần đóng thuế và bảo hiểm được chia đều cho sinh viên và chủ nơi làm việc.
Hơn nữa, khi việc làm thêm của sinh viên được thông báo lên cơ quan kiểm soát, các ông bà chủ không thể tùy tiện ấn định mức lương mà phải theo quy định mức lương tối thiểu ở Thụy Sĩ.
Những quy định mới nêu trên đã thay đổi chút đỉnh hiện trạng của sinh viên Việt Nam làm việc tại các nhà hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn không thể có một biện pháp mạnh để thay đổi hoàn toàn và tích cực hơn. Vẫn còn đâu đó những câu chuyện làm thêm xót xa và thái độ cúi đầu chấp nhận mà sinh viên Việt Nam coi như lẽ rất thường tình!
Việc làm thêm tại Thụy Sĩ có được phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mật độ dân cư và mức sống ở mỗi thành phố, trình độ văn hóa, khả năng năng động của bản thân và sự may mắn.
Tại các thành phố lớn như Genève, Lausanne, Bern, Zurich, mật độ dân số đông, mức sống cao và cũng là nơi tập trung nhiều hoạt động kinh tế. Ở đây, sinh viên có thể tìm được việc làm thêm dễ dàng hơn, đặc biệt là vào mùa hè. Ngược lại, ở các thành phố nhỏ, khả năng tìm được việc làm tốt rất thấp.
Trình độ văn hóa được xem là yếu tố quan trọng nhất và cần thiết nhất để tìm được việc làm thêm tốt. Một sinh viên giỏi trong ngành quản lý khách sạn sẽ dễ tìm được chỗ làm thêm trong các nhà hàng, khách sạn. Có kiến thức rộng trong ngành marketing + management + kế toán sẽ giúp bạn có cơ hội thử việc trong các công ty.
Một sinh viên năng động luôn nắm bắt được cơ hội và dễ dàng có công việc làm thêm trong mọi hoàn cảnh. Trong khi đó, sinh viên Việt Nam ta vẫn luôn thiếu khả năng này, đa số đều khá thụ động. Nếu có nhiều mối quan hệ bạn bè rộng, sinh viên cũng có thể may mắn tìm được việc làm thêm.
Nguồn: ĐỖ NGUYỄN CÁT TIÊN
Xem thêm : Những điều kỳ lạ đầy thú vị về Thụy Sĩ mà có thể bạn muốn biết
Con người Thụy Sĩ và những “bí mật” chưa được vén màn
Mẹo xin visa du lịch Thụy Sĩ tự túc cho người chưa có kinh nghiệm
5 điểm đến đẹp như mơ tại Thụy Sĩ mà du khách đừng nên bỏ lỡ