Năm 2018, Chính phủ New Zealand cải tiến quy định thị thực đối với sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp. Cụ thể, sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp có thể được cấp visa làm việc với thời hạn 3 năm. Quy định này đã mở ra nhiều cơ hội để bạn trẻ làm việc trong môi trường quốc tế, tích lũy kinh nghiệm và chứng tỏ năng lực bản thân.
Không chỉ thế, môi trường sống và làm việc ở xứ sở kiwi được đánh giá thoải mái, khuyến khích con người phát huy sức sáng tạo, cổ vũ ý chí vươn lên. Đây là những yếu tố cần thiết cho các bạn trẻ phát triển cả về nhân cách cũng như đầu tư xây dựng sự nghiệp trong tương lai.
Thiên thời địa lợi đều đủ, du học sinh Việt Nam cần phải làm gì để nắm bắt cơ hội, vươn tới thành công?
Sang New Zealand học từ THPT và tốt nghiệp cử nhân ngành Thương Mại tại Đại học Canterbury năm 2015, Vũ Minh Huyền (Hannah Vũ) - Giám đốc tuyển sinh khu vực Đông Nam Á kiêm Quản lý Marketing và Truyền thông của UC International College (UCIC) - sẽ chia sẻ bí quyết gây dựng sự nghiệp sau khi ra trường tại xứ sở Kiwi.
Từng là du học sinh, theo chị, sinh viên quốc tế có thuận lợi gì để ở lại xin việc sau khi tốt nghiệp tại New Zealand?
- Hiện tại, Chính phủ New Zealand có nhiều chương trình hỗ trợ tối đa cho sinh viên quốc tế thông qua các chính sách mới về Open Work Visa. Chương trình này dành cho bậc cử nhân trở lên, sinh viên được ở lại làm việc tại New Zealand trong 3 năm kể từ ngày tốt nghiệp.
Đây là cơ hội tốt cho sinh viên quốc tế vì các bạn sẽ có thêm cơ hội trải nghiệm thực tập, đi làm cho các công ty và tổ chức tại New Zealand. Ngay cả trong quá trình học tập, sinh viên cũng được quyền làm thêm 20 giờ/tuần và toàn thời gian trong các kỳ nghỉ lễ nên sẽ tăng khả năng tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Đó là những điều kiện lý tưởng để trau dồi kinh nghiệm làm việc. Chị có thể chia sẻ về chặng đường tìm việc ở New Zealand?
- Tôi là người thích bận rộn nên ngay từ khi mới sang đây, đã xin đi làm thêm. Công việc đầu tiên của tôi là thu ngân tại một tiệm bánh, sau đó làm thêm tại nhà hàng của người kiwi.
Những công việc này, dù khá vất vả, đã mang lại nhiều kinh nghiệm về giao tiếp, thêm kiến thức về văn hóa người bản xứ, cũng như thấu hiểu tâm lý khách hàng.
Không những thế, khi còn là sinh viên đại học, ngoài làm thêm, tôi còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện của trường. Thông qua các hoạt động này, tôi được thể hiện bản thân nhiều hơn, tạo ấn tượng tốt với giáo viên. Nhờ đó, tôi được trường nhận vào thực tập mảng giáo dục quốc tế.
Sau khi tốt nghiệp, dựa vào những kinh nghiệm đã tích lũy trong những năm đại học, tôi được nhận vào làm chính thức cho vị trí thuộc mảng giáo dục quốc tế tại trường. Đây cũng là “tip” cho các bạn du học sinh. Ngay từ năm đầu tiên, hãy tìm cách trau dồi kiến thức và mở rộng kết nối. Khi thực tập, các bạn cũng nên lựa chọn tập đoàn lớn để hồ sơ CV chất lượng hơn.
Một trong những kinh nghiệm mình học hỏi được ở đây là nhà tuyển dụng New Zealand không chỉ quan tâm các yêu cầu nghiệp vụ, mà còn đánh giá rất cao khả năng thích nghi với môi trường làm việc, kỹ năng làm việc nhóm.
Vì vậy, các bạn sinh viên cần trang bị đầy đủ kiến thức, cũng như chăm chỉ tham gia hoạt động ngoại khóa, thực hiện chu đáo những nhiệm vụ dù nhỏ nhất để có thêm nhiều trải nghiệm, kỹ năng bổ ích cho công việc sau này.
Tôi theo học nền giáo dục của New Zealand từ khá sớm nên luôn muốn được tích lũy kinh nghiệm làm việc tại đất nước này. Hơn thế, môi trường làm việc tại New Zealand khá tương đồng các nước phát triển khác nên sẽ là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp của tôi trong tương lai, dù ở bất cứ nơi đâu.
Chị có nhắc tới những chính sách hỗ trợ sinh viên quốc tế tìm việc sau tốt nghiệp của trường học và cộng đồng nơi chị sinh sống, cụ thể những chính sách hỗ trợ đó là gì?
- Đại học Canterbury có trung tâm hướng nghiệp (UC Career Centre) cho sinh viên, nơi các bạn có thể nhận được sự giúp đỡ về cách viết CV, trả lời phỏng vấn. Các tập đoàn lớn cũng thường xuyên đến trường gặp gỡ, giao lưu với sinh viên và tạo cơ hội việc là cho bạn trẻ thực tập hoặc mới ra trường.
Không những thế, tại thành phố Christchurch - nơi đặt trụ sở của trường - còn có một chương trình thực tập cho sinh viên quốc tế do Tổ chức Giáo dục Christchurch thành lập. Chương trình này nhằm giúp sinh viên trau dồi kỹ năng bằng cách làm việc cho các công ty nhỏ của thành phố, nhờ vậy sinh viên có thể vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Nếu ở các thành phố khác, bạn có thể liên hệ với nhà trường để được hỗ trợ, mọi người sẽ luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các thầy cô giáo.
Từ kinh nghiệm xin việc của mình, chị có những lời khuyên nào dành cho bạn trẻ chuẩn bị du học New Zealand và có mục tiêu ở lại xin việc?
- Theo kinh nghiệm của bản thân, tôi có lời khuyên là ngay từ khi chuẩn bị du học, các bạn nên xác định ngành học phù hợp năng lực và đam mê của bản thân, cũng như phù hợp xu hướng nhân lực trong tương lai. Có rất nhiều lựa chọn để bạn tham khảo trên website www.studyinnewzealand.govt.nz.
Đồng thời, bạn cũng nên chủ động tích luỹ kinh nghiệm từ sớm bằng cách đi làm thêm hoặc tham gia các hoạt động tình nguyện tại trường học và địa phương nơi sinh sống. Con đường sự nghiệp ban đầu sẽ có nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội để rèn luyện bản thân và trau dồi những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này.
Dù bạn quyết định ở lại hay không, hãy luôn nắm bắt mọi cơ hội có thể và cố gắng hết sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bởi những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy trong suốt thời gian này sẽ luôn là điểm cộng đối với nhà tuyển dụng trên toàn cầu.
Nguồn: Zing.vn