Chia sẻ

Du học sinh Việt chọn ở lại Pháp ngay giữa tâm dịch

  • Thứ Bảy, 28 Tháng 03 2020 23:37
  • Lượt xem: 897

Giữa nhiều quyết định chọn trở về Việt Nam thì vẫn có nhiều du học sinh quyết định ở lại giữa tâm dịch và tự cách ly tại nhà. Liệu đây có phải bước đi đúng đắn?

Biết nhiều du học sinh Việt Nam về nước nhiễm nCoV, Nguyễn Thị Thanh Hương, 22 tuổi, sinh viên Đại học Caen, quyết định trụ lại Pháp, cách ly tại nhà.

Sáng 27/3, từ cửa sổ phòng trọ ở thành phố Caen, vùng Normandy, Hương thấy đường phố thưa thớt người qua lại, mọi người đeo khẩu trang hoặc dùng khăn quàng cổ che qua mũi. Lấy nhiệt kế tự đo thân nhiệt, Hương thở phào khi không quá 37 độ C. Tuy nhiên, cô lo lắng khi số ca nhiễm nCoV tại Pháp tăng nhanh, ngày 27/3 đã là 29.155, tăng 3.922 so với ngày 26/3.

Đo nhiệt độ và xem tin tức đã trở thành thói quen thường nhật của Hương từ khi Pháp ghi nhận ca dương tính đầu tiên với nCoV. Ngày 16/3, Pháp hạn chế đi lại, yêu cầu người dân khai báo thông tin khi ra đường. Nhờ cập nhật tình hình tại Việt Nam và Pháp, Hương đã mua nước rửa tay khô, nước lau nhà diệt khuẩn, nhu yếu phẩm cần thiết như giấy vệ sinh, gạo, các loại mì khô, đồ hộp, rau quả

Nguyễn Thị Thanh Hương chụp ảnh tại cầu Léopold-Sédar-Senghor, thủ đô Paris. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Nguyễn Thị Thanh Hương chụp ảnh tại cầu Léopold-Sédar-Senghor, thủ đô Paris.

Mỗi ngày bố mẹ Hương đều gọi điện thúc giục về nước, nhắc nhở đeo khẩu trang khi ra đường. Nhiều bạn học cùng trường đã rời đi. Hương cũng muốn về, phần vì nhớ bố mẹ, phần vì nếu không may nhiễm bệnh, một thân một mình nơi đất khách sẽ không ai chăm sóc.

Quyết định trụ lại Pháp vào phút chót, Hương giải thích: "Hầu hết ca nhiễm mới ở Việt Nam bắt nguồn từ đường du lịch nên máy bay, sân bay sẽ trở thành ổ phát dịch. Mình quay về tránh dịch, nhỡ bị lây nhiễm thì mọi công sức sẽ đổ sông đổ bể, ảnh hưởng tới gia đình, mọi người xung quanh".

Hương tin rằng trong giai đoạn dịch lây lan mạnh mẽ như hiện nay, việc tự cách ly và tuân thủ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới như hạn chế tiếp xúc đông người, đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ an toàn hơn so với di chuyển đường dài.

Điều làm Hương lo nhất là lỡ nhiễm bệnh thì sẽ không được nhập viện chữa trị vì Pháp đang trở thành tâm dịch, các bệnh viện quá tải, chỉ nhận trường hợp nặng như không thể tự thở hoặc có bệnh lý nền. Người nhiễm phải liên lạc với bác sĩ riêng, được đăng ký khi làm bảo hiểm y tế để được tư vấn cách chữa trị.

"Bảo hiểm của mình chi trả 80% viện phí, 20% còn lại cá nhân tự đóng gồm phí nhập viện, ăn ở giá 20 euro một ngày (khoảng 500.000 đồng) nhưng chưa có thông tin người nhiễm nCoV được hưởng bảo hiểm nên mình sợ không đủ tiền chữa trị", Hương nói.

Xác định nếu nhiễm bệnh phải điều trị tại nhà, Hương tham khảo kinh nghiệm của người đã khỏi bệnh. Trước ngày Pháp phong tỏa một ngày, nữ sinh mua hai hộp Paracetamol loại 5 vỉ, mỗi vỉ 10 viên, ghi chú lên vỏ hộp "dùng khi sốt cao, cách nhau ít nhất 4 tiếng, phối hợp chườm ấm nách, lưng, cổ".

Tính đến khả năng bị sốt cao kéo dài làm mất nước, Hương mua thêm hai hộp thuốc bù nước và điện giải Physio Salt loại 10 gói một hộp, giống với thuốc Oresol ở Việt Nam, pha theo công thức một thìa cafe muối, 8 thìa đường và một lít nước uống cả ngày. Hương giải thích hai loại thuốc trên rất cần thiết trong thời gian đầu nhiễm bệnh, có thể mua ở hiệu thuốc không cần đơn của bác sĩ.

Tự nhủ phòng bệnh hơn chữa bệnh, mỗi ngày Hương đều súc miệng bằng nước muối, uống nước chanh gừng pha loãng, tập thể dục và vệ sinh nhà cửa bằng dung dịch sát khuẩn. Khi cần ra đường, nữ sinh giữ khoảng cách hơn một mét với mọi người, ghi nhớ lộ trình những nơi từng đi qua hoặc người từng tiếp xúc để kịp thời khai báo khi cần.

Trước đây, Hương dành 8-9 tiếng mỗi ngày ở trường đại học, nhưng khi các khóa học chuyển sang trực tuyến, nữ sinh có nhiều thời gian để quay video cho kênh YouTube De21, chia sẻ cuộc sống của du học sinh tại Pháp. Đứng trước máy quay, Hương luôn cười tươi, giọng nói vui vẻ với hy vọng lan truyền trạng thái tích cực cho người xem, bố mẹ ở nhà yên tâm.

"Chỉ học, đọc sách, tập các bài thể dục nâng cao sức khỏe và trò chuyện với bạn bè cũng đã hết một ngày nên mình chưa bao giờ thấy buồn chán vì phải ở nhà. Mình thực sự trân trọng quãng thời gian hiếm có này vì có thể đầu tư cho bản thân nhiều hơn", Hương nói.

Trần Hải Vân, 22 tuổi, sinh viên Đại học Catholique de Lyon, quyết định ở lại thành phố Lyon, tỉnh Rhone, Pháp vì sợ nhiễm nCoV trên máy bay. Sống cùng chị gái, nữ sinh phần nào yên tâm vì có người chia sẻ nếu không may mắc bệnh. Hai chị em mua sẵn gạo, mì, đồ hộp, nước sát khuẩn và khẩu trang từ khi dịch bùng phát tại Pháp nên giờ chỉ cần đi siêu thị một tuần một lần.

Hưởng 100% bảo hiểm y tế song Vân biết nếu mắc bệnh không thể vào bệnh viện chữa trị vì các bác sĩ chỉ có thể dành thiết bị y tế và chăm lo cho những bệnh nhân nguy kịch; gọi điện xin tư vấn qua số điện thoại khẩn cấp 15 phải đợi 30 phút mới có người bắt máy và nếu có họ cũng khuyên ở nhà tự cách ly.

Hiện, hai chị em Vân tự chống dịch bằng cách ăn salad để tăng chất xơ, uống nước ép cam, dâu tây và bông cải xanh bổ sung vitamin C. Cả hai thay phiên nhau dọn dẹp nhà cửa mỗi ngày 2 lần, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, mua sẵn thuốc hạ sốt Doliprane, viên ngậm ho vị gừng chanh phòng trường hợp ho, sốt.

Trong thời gian tự cách ly, Vân học online trên phần mềm Emodo. Mỗi lớp có một nhóm riêng, giáo viên sẽ giao bài tập lý thuyết trong nhóm, sinh viên làm và nộp bài qua email trong khi bài tập thực hành sẽ làm qua Skype với giáo viên. Ngoài ra, sinh viên phải tìm hiểu bài học mới, chuẩn bị bài thuyết trình trực tuyến. Vì giảng viên giao nhiều bài tập nên mỗi ngày Vân đều dành 6-7 tiếng để học online và ôn tập.

"Nhìn bạn bè về nước vào khu cách ly được các chiến sĩ chăm sóc, mình thấy tủi thân khi quyết định ở lại nhưng cảm xúc đó trôi qua rất nhanh. Mình tin nếu mọi người đều hạn chế ra ngoài, tuân thủ lệnh của chính phủ thì rất nhanh chị em mình sẽ được về Việt Nam ăn canh măng, nem rán của mẹ", Vân nói.

Ngày 26/3, đường sá tại thành phố Lyon vắng bóng người sau khi Pháp áp dụng lệnh hạn chế đi lại. Ảnh: Hải Vân.

Ngày 26/3, đường sá tại thành phố Lyon vắng bóng người sau khi Pháp áp dụng lệnh hạn chế đi lại.

Hiện số du học sinh Việt Nam tại Pháp khoảng 7.000. Theo Phạm Thùy Dương, Trưởng ban truyền thông Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, từ khi xuất hiện ca nhiễm nCoV tại Pháp, Hội liên tục cập nhật thông tin về vấn đề bảo hộ công dân từ Đại sứ quán, đăng tải tin tức về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo của Chính phủ Pháp để phổ biến tới các thành viên.

Hội còn thông tin địa chỉ hiến máu, trang web kêu gọi quyên góp cho việc nghiên cứu chữa trị Covid-19 dành cho những du học sinh muốn tham gia tình nguyện và tổ chức giải đấu E-Sport trực tuyến nhằm kết nối thành viên trong thời gian cách ly. Đại sứ quán và Hội Sinh viên cũng thường trao đổi về trường hợp gặp khó khăn hoặc bị mắc kẹt tại sân bay để có phương án hỗ trợ.

"Du học sinh lựa chọn về nước hay ở lại đều cần tuân thủ nghiêm túc quy định của Việt Nam và nước sở tại, đặc biệt hạn chế tiếp xúc đông người để phòng Covid-19. Dịch bệnh cần sự đoàn kết rất lớn từ tất cả chúng ta", Dương nói.

                                                                                                           Nguồn: Tú Anh

 
 

Viết Bình Luận (Cam kết thông tin được bảo mật)

Hotline

Tỷ giá
Tỷ giá

Nhận tin qua Email

Video du học

Visa mới nhất

Megastudy đã tư vấn thành công cho hàng nghìn visa cho các du học sinh đi học tại các nước nền giáo dục hàng đầu thế giới như: Anh, Úc, Mỹ, Canada, New Zealand, Thụy Sỹ, Singapore…

  • nguyen-trong-l_visa-du-hoc-uc
    Nguyễn Trọng L_visa du học Úc
  • duong-ngoc-han_du-lich-uc
    Dương Ngọc Han_du lịch Úc
  • h-t-kim-hoang_du-lich-vuong-quoc-anh
    H.T. Kim Hoàng_du lịch vương quốc Anh
  • nguyen-thuy-t_du-hoc-uc
    Nguyễn Thủy T_du học Úc