Chia sẻ

Giáo dục Đức qua cảm nhận của du học sinh Việt

  • Thứ Ba, 04 Tháng 02 2020 16:48
  • Lượt xem: 1.578

Đức được biết đến là một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục hiện đại và cách thức tiếp cận tri thức tiền bộ mới lạ hàng đầu thế giới. Vậy giáo dục Đức qua cảm nhận của du học sinh Việt như thế nào?

Không thể phủ nhận được nguồn gốc của sự phát triển xã hội suy cho cùng chính là từ nền tảng học vấn, điều mà tác động trực tiếp đến suy nghĩ, nhận thức về thế giới quan của mỗi một con người. Nói cách khác, tư duy và hành động của mỗi cá nhân trong xã hội đó phần nào phản ánh nền giáo dục đương đại của đất nước sở tại. 

Tôi bắt đầu hành trình đi du học của mình ở độ tuổi 30, sau khi đã có 9 năm giảng dạy và công tác tại một Học viện ở Hà Nội, đã lập gia đình và có một cậu con trai hơn 3 tuổi. Với cá nhân tôi, đó là thời điểm thích hợp để tạm dừng công việc đứng lớp quen thuộc, dành thời gian cho bản thân để suy nghĩ về những điều đã qua, và quan trọng hơn cả là tôi nghĩ mình hoàn toàn sẵn sàng cho giấc mơ tuổi trẻ.

Tác giả trong chuyến đi dự hội thảo tại Berlin tháng 5/2018.

Nhận được học bổng Chính phủ để qua Đức học hoàn toàn không hề dễ dàng, và thật may mắn khi đất nước này đã mang lại cho tôi cơ hội được khám phá bản thân trên con đường học thuật lắm gian nan. Chính quãng thời gian vừa du học, vừa nuôi con nhỏ ở đây đã giúp tôi có thêm biết bao kinh nghiệm sống mà nếu không đi, không thử, chắc chắn sẽ không thể nào thấu hiểu được, dù đó hoàn toàn không phải là nhiệm vụ dễ dàng để hoàn thành. 

Ở bài viết này, với tư cách là một du học sinh có may mắn được đi nhiều và gặp gỡ nhiều người bạn từ khắp nơi trên thế giới, và quan trọng nhất là được thụ hưởng nền giáo dục ở Đức, tôi mong muốn được chia sẻ về giáo dục đại học ở Đức như một sự tri ân với những gì tôi đã và đang có được ở đất nước này.

Sự chủ động trong tiếp cận kiến thức

Người Đức trước nay vốn nổi tiếng bởi sự nguyên tắc, đôi khi có phần cứng nhắc, nhưng thực ra trong suốt quá trình học ở đây, tôi nhận ra rằng thực ra những người làm giáo dục ở Đức luôn hướng người học đến sự chủ động. Hầu hết, nguyên tắc của những người làm thầy đã giúp cả sinh viên bản địa và số lượng lớn sinh viên quốc tế đến đây ý thức được rằng: nước Đức tôn trọng những nguyên tắc về sự trung thực cũng như khả năng phản biện và tư duy cá nhân trước và sau bài học.

Cá nhân tôi thấy điều này họ làm rất bài bản. Chẳng hạn, phần lớn những bài học ở đây được các giáo sư cung cấp trước tài liệu cho người học (ở cả bậc học Đại học và Cao học), trước khi đến một buổi seminar (thảo luận) nào, người học đều phải tự đọc trước các tài liệu được yêu cầu (required materials) và được khuyến khích đọc thêm các tài liệu mở bên ngoài (additional sources). Tất cả những tài liệu này đều được các giáo sư tải lên trên một cơ sở dữ liệu online, nơi mà người học chỉ cần có tài khoản sinh viên của trường là có thể tải được các tài liệu và tự đọc trước. Điều đáng nói ở đây là sinh viên hoàn toàn có thể… không đọc mà vẫn đến lớp được.

Điều đó tuỳ thuộc vào sự tự giác của cá nhân người học, nhưng với nhiều kiến thức khoa học quá mới và khối lượng lớn, bạn sẽ… chẳng hiểu gì cả đâu, nếu bạn không chịu đầu tư vào việc tự học và đọc tài liệu trước khi đến lớp. Điều này sẽ được thể hiện rất rõ trong quá trình thảo luận theo nhóm hoặc khi bạn trả lời vấn đáp, vì mỗi một đơn vị bài học ở đây bạn phải đọc đến cả trăm trang sách. Vậy nên việc bạn võ đoán hoặc trả lời không có căn cứ sẽ rất dễ bị phát hiện. Đương nhiên bạn rất dễ bị đánh trượt nếu học hành không tử tế, mà áp lực thi lại chẳng dễ chịu gì cả. Tôi đã từng chứng kiến một bạn người Trung Quốc, thi lại đến lần thứ 2 vẫn… trượt, mà chỉ được thi lại tối đa 3 lần. Hôm đó bạn đã bảo tôi: “Mình chưa dám đăng ký thi lại lần 3, sợ lắm, sợ trượt lần nữa thì sẽ không được gia hạn visa và xách vali về nước”. 

Kết quả hình ảnh cho du học đức"

Trong quá trình trao đổi, thảo luận ở trên lớp, sinh viên luôn được khuyến khích phát biểu ý kiến mang tính cá nhân, kể cả những quan điểm của bạn hoàn toàn khác với ý kiến của giáo sư, miễn sao đưa ra được các dẫn chứng khoa học phù hợp thì đều được đánh giá cao. Các giáo sư ở Đức thường gợi ý sinh viên chủ động đọc và tìm hiểu trước những vấn đề hoặc chủ đề có liên quan, hơn là việc thụ động lên lớp nghe và ghi lại. Tư duy cá nhân của người học từ đó cũng được mài giũa và phát triển, tiếp cận chủ động chứ không phụ thuộc.

Theo như những gì tôi quan sát được, thường sinh viên người Đức (so với sinh viên nước ngoài trong đó có cả những cường quốc giáo dục như Mỹ hay Canada) đọc tài liệu rất kỹ và nắm các kiến thức cơ bản cực kỳ chắc chắn. Có những bạn rất ít khi đến lớp (vì điểm danh ở đây hầu như không bắt buộc), nhưng lần nào thuyết trình hay thảo luận, các bạn ấy luôn là người đưa ra những lý luận rất sắc bén được đúc kết và tìm hiểu lại từ những bài báo khoa học mà các bạn đã tự đọc, tự nghiên cứu. 

Gian lận là điều tối kỵ

Ngoài hình thức thi vấn đáp, sinh viên ở Đức sẽ có thêm những hình thức thi tự luận theo hai dạng thức chính; một là thi viết ngay tại lớp trong một khung thời gian cho phép (Written Exam); hai là sinh viên sẽ chọn chủ đề trong môn học đã đăng ký và viết luận ở nhà (Term Paper), đến hạn sẽ nộp cho Giáo sư môn học đó. Thường thì nhiều người có suy nghĩ rằng những môn thi viết là rất dễ quay cóp hoặc lên mạng tìm nguồn, nhưng ở đây điều này gần như là không thể vì những lý do sau:

Đối với dạng thi viết trên lớp, mỗi người sẽ được phát một đề và ngồi cách xa nhau, hệ thống camera trong các phòng học lắp tứ phía và chính giữa lớp học. Bởi vậy trong tất cả những kỳ thi mà tôi từng tham gia ở Đức, sinh viên thường chỉ chăm chú vào câu hỏi rồi tập trung làm bài vì mỗi một đề bài tự luận sẽ bao gồm khoảng 9-10 câu hỏi xoay quanh các chủ đề xuyên suốt toàn bộ môn học. Nên trong rất nhiều lần, tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ sinh viên nào sử dụng tài liệu hay trao đổi bài.

Toàn bộ quá trình kiểm tra cùng những hình ảnh sẽ được theo dõi bởi bộ phận quản lý sinh viên của khoa đó. Hơn nữa, nếu sinh viên bị phát hiện quay cóp hay gian lận trong quá trình thi, ngay lập tức sẽ bị đình chỉ học. Điều này đã được ghi trong các tài liệu phát cho sinh viên từ lúc nhập học và các quy định đã được chuẩn hoá sẽ được áp dụng trong mọi kỳ thi ở trường. 

Đối với bài luận viết ở nhà và nộp theo thời hạn, những bài luận bị cho là có liên quan đến đạo văn hay sử dụng nguồn không có trích dẫn đều bị đánh trượt hoặc bị thôi học, tuỳ theo từng mức độ sinh viên sao chép đến đâu. Những mức phạt này đối với tất cả sinh viên đều là những hình phạt rất nặng vì vào đại học hoặc sau đại học ở Đức đã có những yêu cầu rất cao, sinh viên cũng đều ý thức được rằng việc học là tự giác, các quy định của các trường cũng công khai và rõ ràng, nên việc gian lận dù ở mức độ nào cũng đều rất xấu hổ. Vậy nên khi học đại học hay sau đại học ở đây, tính trung thực luôn được đặt ở mức độ cao nhất. 

Khoa học và những cơ hội mở cho người học

Như đã nói ở trên, giáo dục Đức rất coi trọng quan điểm cá nhân của người học, ngay cả khi quan điểm đó không giống với những người đi trước. Sinh viên ở Đức, dù ở bậc Đại học hay sau Đại học sẽ được khuyến khích tiếp cận và tham gia các khoá học trao đổi (Exchange programs), hay đăng ký những hội thảo khoa học ở các quốc gia khác nhau – những ý kiến riêng của họ về một lĩnh vực cụ thể sẽ được chào đón và tôn trọng.

Trong quá trình học ở đây, tôi có may mắn nhận được học bổng nhỏ tham dự một hội thảo của Hiệp hội Văn hoá Anh – Mỹ tại Đức, tôi nhận thấy rằng những bài thuyết trình trong hội thảo này phần lớn đến từ những nhà nghiên cứu lâu năm, nhưng cũng có những bài được thuyết trình bởi các bạn sinh viên đến từ các trường đại học. Tất nhiên những bài thuyết trình đó đều đã được đọc thẩm định bởi những người trong Hội đồng chuyên môn. Sau những lần tham dự hội thảo như vậy, những sinh viên được tham dự thường sẽ viết một bài luận nhỏ (report hoặc response paper) để chia sẻ kinh nghiệm cho các sinh viên khác trong toàn khoa.

Điều này không chỉ giúp sinh viên được trau dồi và cọ sát với những chủ đề mới trong môi trường học thuật, nó còn giúp những sinh viên quốc tế như tôi có thêm những cơ hội gặp gỡ với những người bạn đến từ các châu lục khác nhau và có chung những khao khát tìm hiểu các đề tài khoa học liên quan đến lĩnh vực mình quan tâm. Từ đó, các cơ hội này giúp người học thêm tự tin về khả năng phát biểu trước đám đông, thuyết trình, làm việc nhóm và kết nối mạng lưới trong cộng đồng khoa học.

Giáo dục ở Đức không chỉ đơn thuần giúp sinh viên tiếp cận khoa học đơn thuần mà còn giúp người học “tự lớn lên” theo những quy trình đặc biệt. Thầy cô giáo không bắt sinh viên đi theo lối mòn, mà sinh viên hoàn toàn được chủ động trong cách học, tiếp cận kiến thức và tự tìm kiếm những cơ hội cho bản thân trong quá trình đi học. Điều này thực sự mang lại những hiệu quả nhất định cho không chỉ những người thụ hưởng nền giáo dục ở đây mà còn chứng minh rằng nguồn nhân lực được đào tạo ở Đức được đánh giá cao và là một trong những nơi đáng tin cậy nhất thế giới.

                                                                                                                                    Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Đại Đoàn Kết

Viết Bình Luận (Cam kết thông tin được bảo mật)

Hotline

Tỷ giá
Tỷ giá

Nhận tin qua Email

Video du học

Visa mới nhất

Megastudy đã tư vấn thành công cho hàng nghìn visa cho các du học sinh đi học tại các nước nền giáo dục hàng đầu thế giới như: Anh, Úc, Mỹ, Canada, New Zealand, Thụy Sỹ, Singapore…

  • nguyen-minh-t_dai-hoc-my
    Nguyễn Minh T_đại học Mỹ
  • le-ho-t-m_dai-hoc-uts-uc
    Lê Hồ T.M_Đại học UTS, Úc
  • minh-t_visa-du-hoc-my
    Minh T_visa du học Mỹ
  • ha-minh-h_visa-du-hoc-uc
    Hà Minh H_visa du học Úc