Chia sẻ

Hậu COVID-19: Thị trường du học sẽ như thế nào?

  • Thứ Sáu, 12 Tháng 06 2020 23:23
  • Lượt xem: 2.190

Đại dịch COVID-19 chắc chắn ảnh hưởng sâu rộng đến giáo dục đại học thế giới nói chung và thị trường du học nói riêng. Ảnh hưởng như thế nào, mức độ nghiêm trọng của nó ra sao là vấn đề mà không chỉ những người trong ngành quan tâm.

Cuối tháng 2-2020, một hội thảo khoa học với sự tham gia của nhiều học giả và lãnh đạo quốc tế về chủ đề “Tương lai của thị trường du học” buộc phải hủy bỏ vì đại dịch COVID-19. Khi đó, quả thật tôi đã có phần tiếc nuối vì không mấy khi có dịp được gặp mặt hầu hết các nhân vật có “máu mặt” trong ngành.

Nhưng bây giờ tôi thấy mình may mắn bởi nếu hội thảo ấy vẫn được tổ chức, chúng tôi khi đó sẽ vẫn chỉ trình bày những vấn đề được chuẩn bị xong từ tháng 1-2020 - thời điểm không ai hình dung ra được mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch này đến thị trường du học, như nhận thức hiện nay.

Trước khi cố gắng hình dung về viễn cảnh của thị trường du học, cần quay nhìn lại một chút vào bối cảnh lĩnh vực này trước đại dịch COVID-19.

Vị thế dẫn đầu của các nước nói tiếng Anh và sự trỗi dậy của Châu Á

Sự bùng nổ số lượng sinh viên du học là một trong những đặc điểm nổi bật của giáo dục đại học trên thế giới từ khoảng cuối những năm 1990 đến nay. Tất nhiên, khi nhìn lại lịch sử, việc một sinh viên chọn đi học ở một nước khác không phải là hiếm.

Từ khoảng những năm 1950, thời kỳ bắt đầu chiến tranh lạnh, nhiều nước phát triển vẫn thường tài trợ các suất học bổng cho sinh viên tại các nước trong liên minh của mình nhằm duy trì mối quan hệ chính trị.

Cho đến cuối những năm 1990 đầu 2000, làn sóng du học sinh mới thực sự tăng mạnh. Các nước phát triển vẫn là điểm đến ưa thích và nguồn du học sinh chủ yếu từ các nước đang phát triển. Ở thời kỳ này, hai động lực chính của các nước “nhận sinh viên” bao gồm: (i) nguồn thu tài chính, và (ii) thu hút chất xám.

Ở chiều ngược lại, sinh viên từ các nước đang phát triển mong muốn đi du học vì một số lý do chính sau đây: (i) không thỏa mãn với chất lượng giáo dục đại học trong nước, (ii) mong muốn tìm kiếm công việc tốt sau tốt nghiệp, (iii) ý định nhập cư. Với lợi thế tiếng Anh, Anh, Mỹ, Úc, Canada là các nước “nhận sinh viên lớn nhất”, sau đó có thể kể đến các nước phát triển khác như Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản.

Nhưng khoảng từ năm 2010 trở lại đây, thị trường du học chứng kiến sự trỗi dậy của các nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia trong việc thu hút sinh viên quốc tế. Cùng với Nhật Bản, vốn đã luôn có một lượng sinh viên quốc tế ổn định, các nước và vùng lãnh thổ này đã “làm nóng” thị trường du học, cạnh tranh trực tiếp với các nước nhận du học sinh truyền thống tại phương Tây.

Số lượng sinh viên quốc tế và tốc độ tăng trưởng tại các nước Đông Á và Đông Nam Á giai đoạn 2010-2017. Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp từ dữ liệu của UNESCO
 
Trong biểu đồ trên, ta có thể thấy số lượng và tốc độ tăng trưởng của sinh viên tại các nước Đông Á và Đông Nam Á những năm gần đây (trên nền số liệu của UNESCO tính tới năm 2017 và chưa có số liệu mới từ tổ chức này). Các cột màu cam đậm thể hiện số lượng sinh viên quốc tế tại khu vực này (tăng từ trên 400.000 người năm 2010 lên hơn 600.000 năm 2017).

Về tốc độ tăng trưởng, chỉ trừ năm 2011-2012, hầu như năm nào số lượng sinh viên quốc tế tại khu vực này cũng tăng 4-10%. Đến năm 2017, cứ 100 sinh viên đi du học lại có 12 người chọn các nước Đông Á và Đông Nam Á là điểm đến. Khu vực này thực sự đã trở thành một trung tâm mới của sinh viên quốc tế, cạnh tranh trực tiếp với các nước 
Âu Mỹ.

COVID-19 và ảnh hưởng 
của nó với thị trường du học

Cuối tháng 3-2020, trong một hội nghị trực tuyến của các chuyên gia hàng đầu về giáo dục đại học quốc tế, GS Simon Marginson từ Trung tâm Nghiên cứu giáo dục toàn cầu đã đưa ra một dự báo làm nhiều người phải “rầu lòng”: phải mất khoảng 5 năm nữa may ra thị trường du học mới trở lại bình thường.

Còn trong một cuộc họp báo mới đây, Julie Bishop, chủ tịch Đại học Quốc gia Úc, dự tính trường của bà sẽ mất khoảng 40% doanh thu trong năm học tới.

Tuy vậy, theo nhận định của giới chuyên gia, những trường hợp như Đại học Quốc gia Úc hay một số đại học nghiên cứu khác vẫn được coi là may mắn bởi họ có thể dùng nhiều nguồn thu khác để bù đắp. Với nhiều trường có thiên hướng giảng dạy khác, tình hình sẽ nguy cấp hơn nhiều vì các trường này phụ thuộc quá nhiều vào nguồn học phí, đặc biệt của sinh viên quốc tế.

Một số nhận định bi quan còn dự báo thậm chí sẽ có không ít trường đại học tại các nước có truyền thống nhận sinh viên quốc tế còn phải đóng cửa.

Một khảo sát định kỳ của Tổ chức Studyportals (Hà Lan) hôm 14-4 cho biết trong số 850 sinh viên có dự định đi du học, 40% hiện đang có ý định thay đổi dự định của mình vì COVID-19. Con số này thực tế đã tăng 9% so với con số tương ứng được công bố vào cuối tháng 3: khi đó chỉ 31% số người được hỏi có ý định thay đổi quyết định du học của mình.

Nếu những con số về số lượng sinh viên dự kiến thay đổi kế hoạch du học như trên là đúng thì những sinh viên này sẽ làm gì thay thế? Và những tín hiệu này có khiến bức tranh du học toàn một màu bi quan?

Trật tự mới và cơ hội 
cho Châu Á?

COVID-19 rõ ràng ảnh hưởng đến thị trường du học nói chung. Nhưng nhìn kỹ sẽ thấy mức độ ảnh hưởng là khác biệt giữa các nước với nhau. Tới cuối tháng 4-2020, dịch bệnh vẫn đang lan rộng tại Mỹ và châu Âu, tình hình đỡ hơn chút ít tại châu Úc.

Tình hình châu Á khả quan hơn nhiều tại các nước có nhiều sinh viên quốc tế (trừ Singapore mới bùng phát trở lại khoảng hai tuần gần đây). Tại Đài Loan, thậm chí mọi việc vẫn diễn ra tương đối bình thường, các trường học chỉ đóng cửa vài tuần và nhanh chóng trở lại hoạt động hồi tháng 3.

Hãy thử tưởng tượng đến tháng 9 năm nay (thời điểm khai giảng học kỳ thu) hoặc tháng 2-2021 (thời điểm khai giảng học kỳ xuân), nếu như tại châu Âu COVID-19 vẫn dai dẳng, còn châu Á tiếp tục được kiểm soát ổn định như hiện nay, điều gì sẽ xảy ra?

Và nếu tỉ lệ 40% sinh viên dự kiến thay đổi kế hoạch du học như trong khảo sát của Studyportals kể trên là đúng với toàn bộ sinh viên dự định đi du học trên toàn thế giới, họ sẽ làm gì tiếp theo? Một số có thể sẽ quyết định không đi du học nữa (vì bố mẹ bị giảm thu nhập, không còn khả năng tài chính). Nhưng một phần còn lại vẫn muốn du học: họ sẽ chọn các nước Âu Mỹ - nơi còn đang ngổn ngang vì COVID-19 hay châu Á - nơi có hệ số an toàn cao hơn trong khi chi phí đỡ tốn kém hơn?

Tất nhiên đây chỉ là các giả định, khi mà dịch bệnh có khả năng thay đổi khôn lường và luôn cần chuẩn bị cho mọi tình huống xấu cũng như tốt. Song các nước châu Á đang có một cơ hội tuyệt vời để thay đổi trật tự trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về du học.

Trong tương lai ngắn hạn, mặc dù số lượng sinh viên quốc tế đến châu Á có thể giảm xuống vì chịu hậu quả chung của COVID-19 nhưng nếu xét theo tổng thể “miếng bánh thị trường”, châu Á hoàn toàn có thể mở rộng ảnh hưởng của mình. Như đã nêu ở trên, thời điểm năm 2017 cứ 100 sinh viên đi du học đã có 12 sẽ chọn đến châu Á. Trong một vài năm tới, con số này có thể tăng lên 15, 20, thậm chí 25?

Câu hỏi là các đại học Việt Nam có đang chuẩn bị gì cho những thay đổi này hay không? Nằm ở vị trí trung tâm của khu vực được coi là điểm đến mới của sinh viên quốc tế cho đến trước đại dịch COVID-19, trong tình huống tốt nhất (các nước châu Á tiếp tục thu hút được nhiều sinh viên quốc tế), với số người dự tính đi Âu, Mỹ mà nay chưa thể đi hoặc từ bỏ không đi, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này? 


Tình hình sinh viên quốc tế ở Việt Nam hiện nay

Trong thị trường du học, Việt Nam vốn được xem là nước “gửi sinh viên đi” hơn là nước “nhận sinh viên đến”. Mặc dù vậy, theo dữ liệu của UNESCO, trong năm 2017 số sinh viên quốc tế dài hạn tại Việt Nam là 4.162. Con số này có thể thấp nhiều hơn so với thực tế, bởi một khảo sát mới đây của chúng tôi trong 50 trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam thì con số này trong cùng năm đã là 5.108.

Trong số 5.108 sinh viên quốc tế tại Việt Nam này thì Lào, Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan là những nước có nhiều sinh viên nhất. Số lượng sinh viên dài hạn từ lục địa khác tại Việt Nam hầu như không đáng kể.

Mặc dù vậy, nếu xét cả số sinh viên ngắn hạn theo diện trao đổi thì cũng đã có khá nhiều sinh viên đến từ châu Âu, châu Mỹ và châu Úc. Kết quả sinh viên quốc tế kể trên tuy chưa nhiều, nhưng cũng rất đáng khích lệ bởi đó hầu như là thành quả quá trình tự vận động của các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam.

Điều này là tương đối khác biệt so với một số nước có thành tích thu hút sinh viên quốc tế tốt trong khu vực như Hàn Quốc, Malaysia hay Singapore, nơi mà các trường đại học nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của chính phủ trong việc thu hút sinh viên quốc tế.

Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, trong số 50 trường đại học/cao đẳng tham gia nghiên cứu, 29 trường có bộ phận riêng biệt phụ trách tuyển sinh sinh viên quốc tế, 32 trường có chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, 42 trường có cấp học bổng cho sinh viên quốc tế, 26 trường có lớp học/ký túc xá riêng dành cho sinh viên quốc tế.

 
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Viết Bình Luận (Cam kết thông tin được bảo mật)

Hotline

Tỷ giá
Tỷ giá

Nhận tin qua Email

Video du học

Visa mới nhất

Megastudy đã tư vấn thành công cho hàng nghìn visa cho các du học sinh đi học tại các nước nền giáo dục hàng đầu thế giới như: Anh, Úc, Mỹ, Canada, New Zealand, Thụy Sỹ, Singapore…

  • nguyen-t-tuyet-t_du-lich-uc
    Nguyễn T Tuyết T_du lịch Úc
  • le-nam-t_visa-du-lich-uc
    Lê Nam T_visa du lịch Úc
  • mai-nguyen-ta_du-hoc-new-zealand
    Mai Nguyễn TA_du học New Zealand
  • ly-q-p_-du-hoc-new-zealand
    Lý Q.P_ du học New Zealand