Rắc rối đến từ hồ sơ du học
Hồ sơ du học đóng vai trò quyết định rất lớn trong việc bạn có được cấp visa hay không. Một trong những nguyên nhân về hồ sơ du học khiến visa của bạn bị đánh trượt là thông tin không rõ ràng. Điển hình như việc nhầm lẫn giữa địa chỉ nhà ở hiện tại và địa chỉ ghi trên hộ khẩu, thành tích học tập không khớp với những gì được khai báo, bằng cấp và bảng điểm chưa công chứng... Bạn cũng cần lưu ý hạn nộp hồ sơ và nên nộp sớm ít nhất 3 tháng trước khi khóa học bắt đầu. Hồ sơ nộp muộn sẽ để lại ấn tượng xấu với người phỏng vấn.
Chọn trường học không phù hợp với năng lực bản thân
Môi trường học tập tại Việt Nam có ít điều kiện cho bạn định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chọn trường và ngành học không phù hợp. Dù có năng lực và bảng điểm tốt đến cỡ nào, nếu không chứng minh được bản thân phù hợp với ngành đăng ký, bạn khó được cấp visa. Ngoài ra khi nộp hồ sơ xin visa, bạn nên tìm hiểu kĩ yêu cầu đầu vào của trường bạn đăng ký. Ai cũng mong muốn học tập tại những ngôi trường hàng đầu như Havard, Yale... nhưng không phải hồ sơ học tập nào cũng đạt tiêu chuẩn đó. Vì vậy hãy "biết mình biết người" và nâng cao khả năng được cấp visa bằng cách cho thêm vào danh sách nộp hồ sơ du học 1 đến 2 trường thích hợp.
Trả lời phỏng vấn yếu
Kết quả phỏng vấn là một điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến việc xin visa du học của bạn. Những địa điểm phỏng vấn visa du học như CampusFrance, Đại sứ quán... sẽ luôn cấp chứng nhận sau mỗi lần phỏng vấn. Tuy nhiên điều này không nói lên kết quả phỏng vấn của bạn có tốt hay không và dễ khiến bạn nhầm lẫn bạn đã phỏng vấn tốt. Để khắc phục điều này, bạn cần chuẩn bị các kỹ năng và câu hỏi hay gặp khi phỏng vấn xin visa du học. Quan trọng hơn cả là việc thể hiện vốn ngôn ngữ tốt và trả lời một cách lưu loát, đầy nhiệt huyết về giấc mơ du học của mình nhằm gây ấn tượng tốt với người phỏng vấn.
Không chứng minh được nguồn tài chính đầy đủ
Các lỗi bạn có thể gặp phải khi chứng minh tài chính như: không chứng minh được mối quan hệ nhân thân giữa người đi du học và người chi trả tài chính, sổ tiết kiệm không đủ. Bạn rất nên lưu ý đến tỉ giá của tiền bởi điều này có thể ảnh hưởng đến số tài khoản trong sổ tiết kiệm của bạn. Có thể bạn đã tính đủ bằng Việt Nam đồng nhưng khi quy đổi sang ngoại tệ, tiền sụt giá có thể làm sổ tiết kiệm của bạn bị thiếu. Để đảm bảo, khi làm sổ tiết kiệm chứng minh tài chính, bạn nên cộng dư thêm vào tài khoản con số mà nhà trường yêu cầu.
Vốn ngoại ngữ chưa tốt
Mỗi quốc gia có một yêu cầu đầu vào ngoại ngữ khác nhau khi xin visa du học. Thông thường để đạt điều kiện đi du học ở các nước nói tiếng Anh, bạn cần ít nhất Ielts 5.0 cho các khóa học A level, dự bị đại học và 6.0 hệ sau đại học. Đối với du học Pháp, bạn cần có tối thiểu 350-400 TCF (hoặc DELF B2), với sinh viên học bằng tiếng Anh tại Pháp, yêu cầu tối thiểu 200đ TCF (DELF A2). Đối với du học Nhật Bản, bạn cần chứng chỉ tiếng Nhật cấp N5 hoặc tương đương. Một điểm cần lưu ý là dù điểm tổng cao nhưng một trong 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết có điểm quá thấp cũng sẽ ảnh hưởng đến việc xin visa. Nếu không tự tin với vốn ngoại ngữ của mình, tốt nhất bạn nên tham dự một số khóa học dự bị đại học hoặc dự bị thạc sĩ.