Hơn 128.000 thị thực thường trú được cấp cho những người di cư có tay nghề mỗi năm.
Các nghề nghiệp có nhu cầu về nhân sự cao nhất trong năm nay tại Úc bao gồm y tá, thợ điện, giáo viên trung học cơ sở, thợ cơ khí, thợ chế tạo và lắp ráp kim loại, thợ mộc và làm đồ gỗ.
Trong năm 2018 - 2019, Úc dành hơn 17.300 suất cho các y tá đã đăng ký theo học chương trình Tay nghề độc lập với kỹ thuật cao (Skilled independence stream) trên tổng số 43.990 suất.
Theo chương trình này, đương đơn xin thị thực không bắt buộc phải có bất kỳ giấy giới thiệu hoặc quyết định bổ nhiệm hay quyết định cử đi làm nào mà vẫn được cấp thị thực vĩnh viễn, được tự do sống và làm việc ở bất cứ đâu tại Úc.
Trong kế hoạch nhập cư năm nay tại Úc, 17.322 y tá đã đăng ký và tính đến ngày 11/9, Bộ Nội vụ nước này đã mời 413 đương đơn xin thị thực đến phỏng vấn.
Hiện tại nước Úc đang cần 9.303 thợ điện, 8.480 giáo viên trung học, 8.372 thợ mộc và thợ làm đồ gỗ, 6.979 thợ máy và lắp ráp kim loại, 6.099 thợ cơ khí. Nhưng đó mới chỉ là số liệu về một vài trong rất nhiều ngành nghề đang có nhu cầu nhân sự ở Úc, tuy nhiên rất ít người nộp đơn xin thị thực theo các ngành nghề này.
>> Các ngành học HOT và khát nhân lực tại Úc
Dựa trên các kỹ năng và trình độ được thể hiện trong mục “Lĩnh vực Quan tâm” (Expression of Interest) do người có nhu cầu xin thị thực gửi, Bộ Nội vụ sau đó mới xem xét và đề nghị họ gửi đơn xin thị thực. Tính đến ngày 11/9, mới có 15 thợ điện, 115 giáo viên trung học cơ sở, 06 thợ mộc và làm đồ gỗ, 10 thợ cơ khí và chỉ 03 thợ máy và lắp ráp kim loại được mời đến để nộp đơn xin thị thực.
Ông Ranbir Singh, làm việc tại tổ chức di cư Lakshaya Migration cho biết: "Trong khi có nhu cầu lớn đối với một số ngành nghề ở Úc, không nhiều ứng viên có thể đủ điều kiện để nộp đơn xin thường trú theo những nghề đó. Điển hình là trong lĩnh vực nông nghiệp, cho đến nay, Bộ Nội vụ đã không đưa ra một lời mời phỏng vấn nào ngay cả khi có 4.841 suất dành cho nông dân chăn nuôi trong năm nay".
Úc thiếu hụt một lượng lớn lao động có tay nghề, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa. Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud nói với đài SBS Punjabi vào tháng trước rằng ngành nông nghiệp nói riêng đang vật lộn với tình trạng thiếu lao động.
"Nông nghiệp thiếu hụt lao động rất lớn, một thị thực nông nghiệp có thể giúp giải quyết điều đó", ông Littleproud cho biết tháng trước. Tuy nhiên, đến nay, “thị thực nông nghiệp” vẫn chưa được ban hành tại Úc. Bộ trưởng Di trú mới đã nhiều lần nói rằng ưu tiên của ông là giải quyết tình trạng thiếu hụt những tay nghề có kỹ năng ở Úc.
Ngược lại với những ngành nghề có số lượng thiếu hụt nhân sự lớn, có một số ngành nghề như Phần mềm và Lập trình viên, Kế toán, lại thu hút số lượng người nộp đơn rất cao và dường như đang sắp hết hạn ngạch.
Có hơn 7.200 suất cho Lập trình viên phần mềm vào đầu năm nay và 1.231 người nộp đơn đã được mời đến phỏng vấn tính đến ngày 11/9.
Trong khi ngưỡng điểm tối thiểu để nộp đơn xin thị thực vĩnh viễn Úc được nâng lên 65 điểm vào tháng 7 năm nay, đối với các ngành nghề nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ những người nộp đơn xin thị thực, điểm số yêu cầu có thể lên đến 80. Ông Singh nói rằng nhiều người muốn nộp đơn xin thị thực trong các ngành nghề như vậy bị buộc phải chờ đợi "rất lâu".
Ông cho biết thêm: "Các chuyên gia công nghệ thông tin và Kế toán đã phải đối mặt với một thời gian rất khó khăn kể từ năm ngoái khi điểm số tối thiểu tăng lên đến mức 75 điểm. Chúng tôi hy vọng rằng một số điều chỉnh sẽ được thực hiện trong năm nay để tương xứng với số lượng đương đơn xin thị thực trong những nghề này. Nhưng điều đó đã không xảy ra. ”
Ông cũng nhấn mạnh rằng hạn ngạch của những ngành nghề không thu hút đủ số người nộp đơn lại không được phân bổ cho các ngành nghề khác.
“Năm ngoái chúng tôi đã thấy có ít hơn 12.000 người có tay nghề được cấp thị thực so với năm trước. Đó là do sự nghiên cứu cẩn thân của các ứng viên trước khi nộp đơn nhưng một phần cũng là do các ngành nghề có nhu cầu cao ở Úc lại không có đủ người nộp đơn”.
Nguồn: Thái Hằng
(Theo SBS)