Tháng 7 vừa qua, Văn phòng nhập cư của Thụy Sĩ tại thủ đô Bern (The Immigration Office in Bern – SEM) thông báo Việt Nam nằm trong danh sách 21 nước trong diện xem xét đặc biệt đối với visa du học và làm việc tại Thụy Sĩ. Danh sách bao gồm Afghanistan, Algérie, Bangladesh, Burundi, Cameroun, Triều Tiên, Guinée, Haïti, Irak, Iran, Libye, Népal, Pakistan, Cộng hòa dân chủ Congo, Cộng hòa Congo, Rwanda, Sudan, Nam Sudan, Sri Lanka, Syrie và Việt Nam.
Nguyên nhân chính là do một số học sinh cá biệt đã coi visa du học như một hình thức di cư, đổi đời và không tuân thủ lộ trình học tập đã đăng ký. Ngoài ra, lợi dụng chính sách mở cửa của Thụy Sĩ đối với Việt Nam, một số trung tâm tư vấn tại Việt Nam đã làm giả hồ sơ và giới thiệu các trường chất lượng thấp cho học sinh. Vấn đề này đã được Văn phòng nhập cư của Thụy Sĩ cảnh báo Tổng lãnh sự và Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam nhiều lần.
Tuy nhiên, xét về mặt tích cực, đây là một động thái có lợi cho những bạn du học sinh đang có ý định học tập nghiêm túc tại Thụy Sĩ. Thụy Sĩ nổi tiếng được biết đến là quốc gia trung lập, an toàn cho học tập và du lịch nên việc rà soát visa này nhằm giảm thiểu tối đa các tình trạng nhập cư trái phép và các vấn đề xã hội liên quan. Ngoài ra, chất lượng sinh viên sẽ được nâng cao khi Thụy Sĩ luôn ưu tiên những học sinh mang khát vọng học tập thực sự.
Thụy Sĩ có nhiều học viện đào tạo chuyên ngành khách sạn, du lịch và sự kiện uy tín, chất lượng. Tuy nhiên, chỉ một nhóm học viện chuyên biệt có được sự liên kết mật thiết cùng những tập đoàn khách sạn quốc tế, có hệ thống thẩm định chất lượng bằng cấp được công nhận ở cấp độ toàn cầu như Học viện Glion, Học viện Les Roches và các học viện trực thuộc Tập đoàn Swiss Education Group (Cesar Ritz, Hotel Institute Montreux, International Hotel Tourism & Training Institute, Swiss Hotel Management School, Culinary Arts Academy Switzerland).
Thế mạnh trong chương trình đào tạo quản lý của các học viện này là sự kết hợp linh hoạt giữa lý thuyết và các kỳ thực tập tại những tổ chức quốc tế, tập đoàn khách sạn. Đặc biệt, sinh viên được hưởng lương tối thiểu là 13.032 CHF (khoảng 300 triệu đồng) trong các kỳ thực tập này. Vì chất lượng giáo dục cũng như danh tiếng đào tạo nhân sự cấp cao, các trường này đều có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại các bang của Thụy Sĩ, tạo điều kiện học tập và ăn ở tốt nhất ngay tại khuôn viên của trường.
Dù cho chính sách visa đang tạm thời khó khăn, sức hấp dẫn của Thụy Sĩ - chiếc nôi của ngành dịch vụ thế giới, đối với du học sinh Việt Nam vẫn khá mạnh. Thụy Sĩ là một trong những quốc gia có nền chính trị ôn hòa, kinh tế phát triển, có một lịch sử lâu dài và đáng tự hào về ngành quản lý khách sạn và đạt danh tiếng quốc tế về ngành du lịch. Điều này đã làm cho Thụy Sĩ có một hệ thống giáo dục đạt tiêu chuẩn cao và đứng hàng đầu thế giới, trở thành một trong những lựa chọn của nhiều du học sinh quốc tế, trong đó có học sinh, sinh viên Việt Nam.
Điều hạn chế về visa dành cho Việt Nam không có nghĩa rằng cánh cửa du học tại đất nước này hoàn toàn đóng lại. Để cầm chắc visa du học Thụy Sĩ, phụ huynh và học sinh nên cân nhắc kỹ lưỡng việc chọn trường, lộ trình học tập, cập nhật thông tin một cách nhanh nhất từ những đại diện, trung tâm tư vấn có uy tín.
Nguồn: vnexpress
>>> Du học Thụy Sĩ 2017: Thủ tục visa và quy trình xét duyệt
>>> Nên chọn trường nào khi du học ngành Quản trị Khách sạn tại Thụy Sĩ